Việc thu hồi nhà ở thuộc tài sản công có được thực hiện khi bên thuê trả lại nhà ở đang thuê không?
Việc thu hồi nhà ở thuộc tài sản công có được thực hiện khi bên thuê trả lại nhà ở đang thuê không?
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 127 Luật Nhà ở 2023 quy định về việc thu hồi nhà ở thuộc tài sản công như sau:
Các trường hợp thu hồi, cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công
1. Việc thu hồi nhà ở thuộc tài sản công được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở;
b) Hết thời hạn thuê theo hợp đồng mà bên thuê không còn nhu cầu thuê tiếp hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở;
c) Bên thuê, bên thuê mua trả lại nhà ở đang thuê, thuê mua;
d) Bên thuê không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở theo quy định của Luật này;
đ) Bên thuê chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà không có ai đang cùng sinh sống; người đang thuê nhà ở công vụ chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án;
e) Bên thuê, thuê mua nhà ở không trả đủ tiền thuê nhà ở theo hợp đồng từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;
...
Như vậy, việc thu hồi nhà ở thuộc tài sản công sẽ được thực hiện khi bên thuê trả lại nhà ở đang thuê.
Việc thu hồi nhà ở thuộc tài sản công có được thực hiện khi bên thuê trả lại nhà ở đang thuê không? (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục thu hồi nhà ở thuộc tài sản công diễn ra như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 78 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thu hồi nhà ở thuộc tài sản công như sau:
- Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày phát hiện một trong các trường hợp nhà ở thuộc diện bị thu hồi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều 127 của Luật Nhà ở 2023 hoặc kể từ ngày có kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền về việc nhà ở thuộc trường hợp phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại quy định tại điểm g khoản 1 Điều 127 của Luật Nhà ở 2023, đơn vị được giao quản lý vận hành nhà ở phải có báo cáo cơ quan được đại diện chủ sở hữu giao quản lý nhà ở đó về việc đề nghị thu hồi nhà ở;
- Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của đơn vị quản lý vận hành nhà ở, cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm kiểm tra, nếu thuộc diện phải thu hồi nhà ở theo quy định tại Điều 127 của Luật Nhà ở 2023 thì có tờ trình gửi đại diện chủ sở hữu nhà ở đó xem xét, ban hành quyết định thu hồi nhà ở;
- Trường hợp cơ quan quản lý nhà ở tự kiểm tra mà phát hiện nhà ở thuộc diện phải thu hồi (trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều 127 của Luật Nhà ở 2023) thì phải làm thủ tục đề nghị thu hồi nhà ở theo quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 78 Nghị định 95/2024/NĐ-CP;
- Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận được tờ trình của cơ quan quản lý nhà ở, đại diện chủ sở hữu nhà ở có trách nhiệm kiểm tra, nếu có đủ điều kiện thu hồi nhà ở thì ban hành quyết định thu hồi nhà ở theo nội dung quy định tại Điều 80 của Nghị định 95/2024/NĐ-CP, đồng thời gửi quyết định này cho cơ quan quản lý nhà ở, đơn vị quản lý vận hành nhà ở và người đang trực tiếp sử dụng nhà ở thuộc diện bị thu hồi biết để thực hiện.
- Trường hợp nhà ở đang do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý thì cơ quan có chức năng quản lý nhà ở của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được ban hành quyết định thu hồi nhà ở (nếu được giao thực hiện), sau đó gửi quyết định này cho đơn vị quản lý vận hành nhà ở, người đang trực tiếp sử dụng nhà ở biết để thực hiện và gửi đến cơ quan đại diện chủ sở hữu để báo cáo;
- Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi nhà ở, đơn vị quản lý vận hành nhà ở có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao quyết định thu hồi nhà ở cho người đang trực tiếp sử dụng nhà ở biết để bàn giao lại nhà ở;
+ Người đang trực tiếp sử dụng nhà ở có trách nhiệm bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý vận hành nhà ở trong thời hạn ghi trong quyết định thu hồi;
+ Việc thu hồi, bàn giao nhà ở phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên;
+ Trường hợp người đang trực tiếp sử dụng nhà ở không nhận thông báo thu hồi hoặc không ký biên bản bàn giao nhà ở thì đơn vị quản lý vận hành nhà ở mời đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở chứng kiến và ký vào biên bản.
- Trong thời hạn tối đa 05 ngày, kể từ ngày nhận quyết định thu hồi nhà ở của đại diện chủ sở hữu nhà ở, đơn vị quản lý vận hành nhà ở hoặc cơ quan quản lý nhà ở có văn bản thông báo về việc chấm dứt hợp đồng thuê, thuê mua hoặc mua nhà ở (đối với trường hợp đã ký hợp đồng);
- Trường hợp thu hồi nhà ở do bán không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 95/2024/NĐ-CP thì bên mua được hoàn trả lại tiền mua nhà ở đã nộp, trừ trường hợp bên mua làm giả giấy tờ, hồ sơ mua bán nhà ở thì không được hoàn trả lại tiền mua nhà ở;
- Sau khi thu hồi nhà ở, đơn vị quản lý vận hành phải có văn bản báo cáo về việc đã hoàn thành thu hồi nhà ở và đề xuất phương án quản lý, sử dụng hoặc việc phá dỡ để xây dựng lại nhà ở gửi cơ quan quản lý nhà ở để báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà ở xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
Quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở được quy định thế nào?
Căn cứ theo Điều 6 Luật Nhà ở 2023 quy định về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở được quy định như sau:
- Cá nhân có quyền có chỗ ở thông qua việc đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, thuê, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi, mượn, ở nhờ, quản lý nhà ở theo ủy quyền và hình thức khác theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức, cá nhân có nhà ở hợp pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Nhà ở 2023 có quyền sở hữu đối với nhà ở đó theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.