Việc bảo lãnh tiền thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có bắt buộc phải thực hiện bằng hình thức bảo lãnh riêng không?
- Việc bảo lãnh tiền thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có bắt buộc phải thực hiện bằng hình thức bảo lãnh riêng không?
- Trong trường hợp nào thì tổ chức tín dụng bảo lãnh sẽ phải nộp tiền thuế thay cho nguời nộp thuế được bảo lãnh tiền thuế?
- Tổ chức tài chính vi mô có được bảo lãnh tiền thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu không?
Việc bảo lãnh tiền thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có bắt buộc phải thực hiện bằng hình thức bảo lãnh riêng không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 134/2016/NĐ-CP như sau:
Thời hạn nộp thuế, bảo lãnh, đặt cọc số tiền thuế phải nộp
1. Thời hạn nộp thuế quy định tại Điều 9 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
2. Bảo lãnh tiền thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện theo một trong hai hình thức: Bảo lãnh riêng hoặc bảo lãnh chung.
a) Bảo lãnh riêng là việc tổ chức tín dụng hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp số tiền thuế cho một tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
b) Bảo lãnh chung là việc tổ chức tín dụng hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp số tiền thuế cho hai tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trở lên tại một hoặc nhiều Chi cục Hải quan. Bảo lãnh chung được trừ lùi, khôi phục tương ứng với số tiền thuế đã nộp;
c) Trường hợp tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh riêng hoặc bảo lãnh chung nhưng hết thời hạn bảo lãnh đối với từng tờ khai mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp (nếu có), tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ tiền thuế, tiền chậm nộp thay người nộp thuế vào ngân sách nhà nước trên cơ sở thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc thông báo của cơ quan hải quan;
d) Nội dung thư bảo lãnh, việc nộp thư bảo lãnh và kiểm tra, theo dõi, xử lý thư bảo lãnh thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
...
Theo quy định nêu trên, việc bảo lãnh tiền thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được thực hiện theo một trong hai hình thức: Bảo lãnh riêng hoặc bảo lãnh chung.
Như vậy, việc bảo lãnh tiền thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu không bắt buộc phải thực hiện bằng hình thức bảo lãnh riêng.
Việc bảo lãnh tiền thuế đối với hàng xuất, nhập khẩu có bắt buộc phải thực hiện bằng hình thức bảo lãnh riêng không? (Hình từ Internet).
Trong trường hợp nào thì tổ chức tín dụng bảo lãnh sẽ phải nộp tiền thuế thay cho nguời nộp thuế được bảo lãnh tiền thuế?
Theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định về thời hạn nộp thuế như sau:
Thời hạn nộp thuế
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa theo quy định của Luật hải quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Trường hợp đã được tổ chức tín dụng bảo lãnh nhưng hết thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp thì tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế.
2. Người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật hải quan được thực hiện nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng hóa trong tháng chậm nhất vào ngày thứ mười của tháng kế tiếp. Quá thời hạn này mà người nộp thuế chưa nộp thuế thì phải nộp đủ số tiền nợ thuế và tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì trường hợp đã được tổ chức tín dụng bảo lãnh nhưng hết thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp thì tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế.
Theo đó, thời hạn bảo lãnh tiền thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Tổ chức tài chính vi mô có được bảo lãnh tiền thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu không?
Đối tượng được bảo lãnh tiền thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đúng được quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 cụ thể như sau:
Người nộp thuế
...
4. Người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế, bao gồm:
a) Đại lý làm thủ tục hải quan trong trường hợp được người nộp thuế ủy quyền nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trong trường hợp nộp thuế thay cho người nộp thuế;
c) Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng trong trường hợp bảo lãnh, nộp thuế thay cho người nộp thuế;
d) Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh;
đ) Chi nhánh của doanh nghiệp được ủy quyền nộp thuế thay cho doanh nghiệp;
e) Người khác được ủy quyền nộp thuế thay cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật.
...
Theo quy định trên thì tổ chức tín dụng, các tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 vẫn có thể thực hiện bảo lãnh tiền thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Bên cạnh đó, tổ chức tài chính vi mô thành lập và hoạt động theo các quy định tại Mục 7 Chương III Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
Như vậy, tổ chức tài chính vi mô được thực hiện bảo lãnh tiền thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.