Vì phân biệt bình đẳng giới mà trì hoãn, không cung cấp đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định các tài liệu cho người tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe thì xử lý như thế nào?
- Vấn đề đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế theo pháp luật hiện hành quy định thế nào?
- Trì hoãn, không cung cấp đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định các tài liệu cho người tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì phân biệt bình đẳng giới sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
- Chánh thanh tra sở Y tế có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp phân biệt bình đẳng giới trong lĩnh vực Y tế hay không?
Vấn đề đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế theo pháp luật hiện hành quy định thế nào?
Căn cứ Điều 17 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế như sau:
(1) Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khoẻ sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế.
(2) Nam, nữ bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
(3) Phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Vấn đề đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế theo pháp luật hiện hành quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Trì hoãn, không cung cấp đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định các tài liệu cho người tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì phân biệt bình đẳng giới sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến y tế như sau:
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến y tế
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi xúi giục người khác không tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế vì định kiến giới.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế vì định kiến giới;
b) Trì hoãn, không cung cấp đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định các tài liệu cho người tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế vì định kiến giới.
...
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi công khai người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều này (trừ trường hợp người bị xâm phạm có đơn không yêu cầu);
b) Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2, điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều này;
c) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này trong trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần cho người bị xâm phạm.
Như vậy, theo quy định trên, hành vi trì hoãn, không cung cấp đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định các tài liệu cho người tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì phân biệt bình đẳng giới gới sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Đồng thời, kèm theo đó là biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm.
Lưu ý mức phạt trên là mức phạt với cá nhân, với tổ chức mức phạt sẽ nhân đôi theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 125/2021/NĐ-CP.
Chánh thanh tra sở Y tế có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp phân biệt bình đẳng giới trong lĩnh vực Y tế hay không?
Căn cứ khoản 7 Điều 20 Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
...
7. Thanh tra Y tế có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 12 Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 16 Nghị định này và trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Đồng thời căn cứ Điều 16 Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra
1. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo.
2. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Sở, Chánh Thanh tra cấp Sở có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 30.000.000 đồng;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
3. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 21.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 42.000.000 đồng;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
...
Như vậy, trong trường hợp này, đối với hành vi phân biệt bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế thì Chánh thanh tra sở Y tế sẽ có thẩm quyền xử phạt.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.