Văn phòng Thừa phát lại có thể tải mẫu Hợp đồng dịch vụ về việc tổ chức thi hành án ở đâu? Hợp đồng được lập thành bao nhiêu bản?
- Văn phòng Thừa phát lại có thể tải mẫu Hợp đồng dịch vụ về việc tổ chức thi hành án ở đâu?
- Hợp đồng dịch vụ về việc tổ chức thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại được lập thành bao nhiêu bản?
- Trưởng Văn phòng Thừa phát phải gửi văn bản đề nghị ra quyết định thi hành án trong bao nhiêu ngày?
- Thừa phát lại có quyền tổ chức thi hành án đối với quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh không?
Văn phòng Thừa phát lại có thể tải mẫu Hợp đồng dịch vụ về việc tổ chức thi hành án ở đâu?
Mẫu Hợp đồng dịch vụ về việc tổ chức thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 05/2020/TT-BTP là Mẫu TP-TPL-N-11, có dạng như sau:
>> TẢI VỀ: Mẫu Hợp đồng dịch vụ về việc tổ chức thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại tại đây.
Hợp đồng dịch vụ về việc tổ chức thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại được lập thành bao nhiêu bản?
Căn cứ theo Điều 54 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định thỏa thuận về việc tổ chức thi hành án như sau:
Thỏa thuận về việc tổ chức thi hành án
1. Thỏa thuận về việc tổ chức thi hành án giữa người yêu cầu thi hành án và Văn phòng Thừa phát lại được thể hiện dưới hình thức hợp đồng dịch vụ và có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Ngày, tháng, năm yêu cầu thi hành án;
b) Các khoản yêu cầu thi hành theo bản án, quyết định;
c) Trách nhiệm của Văn phòng Thừa phát lại trong việc thực hiện yêu cầu thi hành án theo ủy quyền;
d) Chi phí, phương thức thanh toán;
đ) Các thỏa thuận khác (nếu có).
Hợp đồng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
2. Sau khi ký kết hợp đồng, Văn phòng Thừa phát lại phải vào sổ thi hành án được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.
Như vậy, Hợp đồng dịch vụ về việc tổ chức thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
Lưu ý: Sau khi ký kết hợp đồng, Văn phòng Thừa phát lại phải vào sổ thi hành án.
Hợp đồng dịch vụ về việc tổ chức thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại được lập thành bao nhiêu bản? (Hình từ Internet)
Trưởng Văn phòng Thừa phát phải gửi văn bản đề nghị ra quyết định thi hành án trong bao nhiêu ngày?
Căn cứ theo Điều 55 Nghị định 08/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Quyết định thi hành án
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký hợp đồng dịch vụ, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại căn cứ vào nội dung hợp đồng dịch vụ và thẩm quyền thi hành án quy định tại Điều 35 của Luật Thi hành án dân sự có văn bản đề nghị Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở ra quyết định thi hành án theo thẩm quyền. Văn bản đề nghị phải kèm theo đơn yêu cầu thi hành án theo ủy quyền, bản án, quyết định được thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và các tài liệu có liên quan.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải xem xét, ra quyết định thi hành án; trường hợp không ra quyết định thi hành án thì phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.
...
Như vậy, Trưởng Văn phòng Thừa phát phải gửi văn bản đề nghị ra quyết định thi hành án đến Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự theo thẩm quyền nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký hợp đồng dịch vụ về việc tổ chức thi hành án.
Trong đó, văn bản đề nghị phải kèm theo:
- Đơn yêu cầu thi hành án theo ủy quyền;
- Bản án, quyết định được thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008;
- Các tài liệu có liên quan.
Thừa phát lại có quyền tổ chức thi hành án đối với quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Nghị định 08/2020/NĐ-CP về thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại như sau:
Thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại
1. Thừa phát lại được quyền tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định sau đây:
a) Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện); bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;
b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện; bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm, chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;
c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
2. Thừa phát lại không tổ chức thi hành phần bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật Thi hành án dân sự.
Như vậy, Thừa phát lại có thẩm quyền tổ chức tổ chức thi hành án đối với quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.