Văn bản xin kéo dài thời hạn giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí được giải quyết trong thời hạn bao lâu?
Giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí có được phép chia thành nhiều giai đoạn nhỏ không?
Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 95/2015/NĐ-CP (Hết hiệu lực từ 01/07/2023) quy định như sau:
Giai đoạn tìm kiếm thăm dò
Giai đoạn tìm kiếm thăm dò quy định tại Điều 17 Luật Dầu khí có thể được chia thành các giai đoạn nhỏ. Thời hạn của các giai đoạn nhỏ do các bên tham gia hợp đồng dầu khí thỏa thuận.
Theo đó, giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí có thể được chia thành nhiều giai đoạn nhỏ và thời hạn của các giai đoạn nhỏ do các bên tham gia hợp đồng dầu khí thỏa thuận.
Giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí (Hình từ Internet)
Văn bản xin kéo dài thời hạn giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí được giải quyết trong thời hạn bao lâu?
Việc kéo dài (gia hạn) thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí được quy định tại Điều 25 Nghị định 45/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 01/07/2023) như sau:
Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận gia hạn thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí
1. Giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Dầu khí có thể được chia thành các giai đoạn thành phần.
2. Chậm nhất 60 ngày trước ngày kết thúc từng giai đoạn thành phần hoặc ngày kết thúc giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí, trên cơ sở đề nghị của nhà thầu được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị chấp thuận gia hạn thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí. Hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị chấp thuận gia hạn thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí, trong đó nêu rõ lý do; kế hoạch triển khai hoạt động dầu khí trong thời gian gia hạn; các cam kết công việc bổ sung, cam kết tài chính tương ứng và các đề xuất khác dự kiến thực hiện trong thời gian được gia hạn (nếu có);
b) Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);
c) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan.
4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.
5. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương ban hành văn bản chấp thuận gia hạn thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí.
Theo quy định trên, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương ban hành văn bản chấp thuận gia hạn thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí.
Trước đây, vấn đề này được tư vấn như sau:
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 29 Nghị định 95/2015/NĐ-CP (Hết hiệu lực từ 01/07/2023) quy định như sau:
Kéo dài thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò và hợp đồng dầu khí
1. Kéo dài thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí
a) Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt việc kéo dài thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí một trong các trường hợp sau:
- Cuối từng giai đoạn nhỏ hoặc cuối giai đoạn tìm kiếm thăm dò mà nhà thầu có phát hiện dầu khí trong diện tích hợp đồng nhưng thời hạn còn lại không đủ để nhà thầu thẩm lượng phát hiện đó;
- Một hoặc nhiều giếng thăm dò đang trong kế hoạch khoan hoặc đang trong quá trình khoan nhưng thời hạn còn lại không đủ để hoàn thành công việc khoan và đánh giá số liệu sau khoan;
- Nhà thầu đề xuất thực hiện cam kết công việc bổ sung;
- Trường hợp khác được quy định trong hợp đồng dầu khí.
Việc kéo dài thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí trên có tổng thời gian gia hạn cộng dồn không vượt quá hai (02) năm.
b) Chậm nhất chín mươi (90) ngày trước ngày kết thúc từng giai đoạn nhỏ hoặc kết thúc giai đoạn tìm kiếm thăm dò, nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải có văn bản nêu rõ lý do xin kéo dài thời hạn giai đoạn tìm kiếm thăm dò, trình Bộ Công Thương;
c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị kéo dài thời hạn giai đoạn tìm kiếm thăm dò, Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.
...
Như vậy, văn bản xin kéo dài thời hạn giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí được giải quyết trong 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị , Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.
Thời hạn kéo dài thêm giai đoạn tìm kiếm thăm dò có tính vào thời hạn hợp đồng dầu khí không?
Theo khoản 8 Điều 31 Luật Dầu khí 2022 (Có hiệu lực từ 01/07/2023) quy định như sau:
Thời hạn hợp đồng dầu khí
...
8. Thời gian gia hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí, thời gian giữ lại diện tích phát hiện khí đã được tuyên bố phát hiện thương mại và thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí trong trường hợp bất khả kháng hoặc vì lý do quốc phòng, an ninh không tính vào thời hạn hợp đồng dầu khí.
...
Theo quy định trên, thời hạn kéo dài (gia hạn) giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí sẽ không tính vào thời hạn hợp đồng dầu khí.
Trước đây, vấn đề này được tư vấn như sau:
Căn cứ theo Điều 17 Luật Dầu khí 1993, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật Dầu khí sửa đổi 2008 (Hết hiệu lực từ 01/07/2023) quy định như sau:
1. Thời hạn hợp đồng dầu khí không quá hai mươi lăm năm, trong đó giai đoạn tìm kiếm thăm dò không quá năm năm.
Đối với các dự án khuyến khích đầu tư dầu khí và dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác khí thiên nhiên, thời hạn hợp đồng dầu khí không quá ba mươi năm, trong đó giai đoạn tìm kiếm thăm dò không quá bảy năm.
2. Thời hạn hợp đồng dầu khí có thể được kéo dài thêm, nhưng không quá năm năm; thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò có thể được kéo dài thêm, nhưng không quá hai năm.
Trong trường hợp đặc biệt, việc cho phép tiếp tục kéo dài thời hạn tìm kiếm thăm dò hoặc thời hạn hợp đồng dầu khí do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Sau khi tuyên bố phát hiện thương mại nhưng chưa có thị trường tiêu thụ và chưa có các điều kiện về đường ống, phương tiện xử lý thích hợp, Nhà thầu được giữ lại diện tích phát hiện khí. Thời hạn được giữ lại diện tích phát hiện khí không quá năm năm và trong trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thêm hai năm tiếp theo. Trong thời gian chờ đợi thị trường tiêu thụ và có các điều kiện về đường ống, phương tiện xử lý thích hợp, Nhà thầu phải tiến hành các công việc đã cam kết trong hợp đồng dầu khí.
4. Trong trường hợp bất khả kháng hoặc trong trường hợp đặc biệt khác, các bên tham gia hợp đồng dầu khí có thể thỏa thuận phương thức tạm dừng việc thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí. Thời hạn tạm dừng do nguyên nhân bất khả kháng được kéo dài cho tới khi sự kiện bất khả kháng chấm dứt. Thời hạn tạm dừng trong trường hợp đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, nhưng không quá ba năm.
5. Thời hạn kéo dài thêm giai đoạn tìm kiếm thăm dò, thời hạn giữ lại diện tích phát hiện khí đã được tuyên bố phát hiện thương mại và thời hạn tạm dừng việc thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí trong trường hợp bất khả kháng hoặc trong trường hợp đặc biệt khác không tính vào thời hạn hợp đồng dầu khí.
6. Hợp đồng dầu khí có thể kết thúc trước thời hạn với điều kiện Nhà thầu phải hoàn thành các nghĩa vụ đã cam kết và được các bên ký kết hợp đồng thỏa thuận.
7. Chính phủ quy định điều kiện tạm dừng việc thực hiện một số quyền và nghĩa vụ của hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt; điều kiện và thủ tục kéo dài thời hạn tìm kiếm thăm dò hoặc kéo dài thời hạn hợp đồng dầu khí.
Theo đó, thời hạn kéo dài thêm giai đoạn tìm kiếm thăm dò không tính vào thời hạn hợp đồng dầu khí.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.