Tự ý đăng tải hóa đơn mua hàng của khách hàng lên mạng xã hội, cửa hàng có bị xử phạt hay không?
Khách hàng có quyền yêu cầu cửa hàng cung cấp hóa đơn mua hàng hay không?
Quyền của khách hàng khi mua hàng hóa được quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 như sau:
Quyền của người tiêu dùng
...
2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
...
Bên cạnh đó, theo Điều 20 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 uy định như sau:
Trách nhiệm cung cấp bằng chứng giao dịch
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng.
2. Trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, khách hàng có quyền yêu cầu cửa hàng cung cấp hóa đơn mua hàng và cửa hàng có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng hóa đơn theo yêu cầu.
Trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì cửa hàng có trách nhiệm tạo điều kiện cho khách hàng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn mua hàng.
Tự ý đăng tải hóa đơn mua hàng của khách hàng lên mạng xã hội, cửa hàng có bị xử phạt hay không? (Hình từ Internet)
Cửa hàng có được đăng tải hóa đơn mua hàng của khách hàng lên mạng xã hội?
Vấn đề bảo vệ thông tin của người tiêu dùng được quy định tại Điều 6 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 như sau:
Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng
1. Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
2. Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm:
a) Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng;
b) Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý;
c) Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng;
d) Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác;
đ) Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo đó, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Như vậy, khách hàng sẽ được bảo đảm bí mật thông khi tham gia giao dịch, mua hàng hóa tại cửa hàng trong đó có hóa đơn mua hàng.
Cửa hàng không được tự ý đăng tải thông tin về hóa đơn mua hàng của khách hàng lên mạng xã hội. Trong trường hợp muốn sử dụng thông tin hóa đơn mua hàng của khách hàng, cửa hàng có trách nhiệm:
- Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với khách hàng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin hóa đơn của khách hàng;
- Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với khách hàng và phải được khách hàng đồng ý;
- Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin hóa đơn của khách hàng;
- Tự mình hoặc có biện pháp để khách hàng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác;
- Chỉ được chuyển giao thông tin hóa đơn của khách hàng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của khách hàng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tự ý đăng tải hóa đơn mua hàng của khách hàng lên mạng xã hội, cửa hàng có bị phạt hay không?
Hành vi tự ý đăng tải hóa đơn mua hàng của khách hàng lên mạng xã hội được quy định tại Điều 46 Nghị định 98/2020/NĐ-CP như sau:
Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thông báo rõ ràng, công khai với người tiêu dùng về mục đích trước khi thực hiện hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng theo quy định;
b) Sử dụng thông tin của người tiêu dùng không phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng mà không được người tiêu dùng đồng ý theo quy định;
c) Không bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ đối với thông tin của người tiêu dùng khi thu thập, sử dụng, chuyển giao theo quy định;
d) Không tự điều chỉnh hoặc không có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin không chính xác theo quy định;
đ) Chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với trường hợp thông tin có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân của người tiêu dùng.
Theo đó, hành vi tự ý đăng tải hóa đơn mua hàng của khách hàng lên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức thực hiện cùng hành vi vi phạm sẽ áp dụng mức phạt bằng 02 lần cá nhân, tức là từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (Theo điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân có thể bị phạt hành chính với mức phạt gấp đôi mức phạt nêu trên với trường hợp thông tin trên hóa đơn mua hàng có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân của khách hàng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.