Trưng mua tài sản là gì? Tài sản nào thuộc đối tượng trưng mua? Quyết định trưng mua tài sản do ai quyết định, bao gồm những nội dung gì?
Bản chất của trưng mua tài sản là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008, trưng mua tài sản được hiểu như sau:
"1. Trưng mua tài sản là việc Nhà nước mua tài sản của tổ chức (không bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân), cá nhân, hộ gia đình thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia."
Như vậy, trong những trường hợp cần thiết, ảnh hưởng đến các lợi ích của nhà nước về quốc phòng, an ninh..., Nhà nước sẽ tiến hành mua tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thông qua các quyết định hành chính.
Trưng mua tài sản
Tài sản nào thuộc đối tượng thu mua?
Theo quy định tại Điều 13 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008, tài sản thuộc đối tượng trưng mua bao gồm:
(1) Nhà và tài sản khác gắn liền với đất trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này.
"1. Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp;"
(2) Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, công cụ, dụng cụ và vật tư, vật dụng thiết yếu khác.
(3) Phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác.
Ai có thẩm quyền quyết định việc trưng mua tài sản?
Thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản được quy định tại Điều 14 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008:
(1) Thủ tướng Chính phủ quyết định trưng mua tài sản quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008.
(2) Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định trưng mua tài sản quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 13 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008.
(3) Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này không được ủy quyền hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản.
* Quyết định trưng mua tài sản gồm những nội dung quy định tại Điều 15 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 như sau:
(1) Quyết định trưng mua tài sản có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người quyết định trưng mua tài sản;
b) Tên, địa chỉ của người có tài sản trưng mua;
c) Tên, địa chỉ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng mua;
d) Mục đích trưng mua;
đ) Tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của tài sản trưng mua;
e) Giá trưng mua tài sản (nếu thỏa thuận được);
g) Thời gian và địa điểm bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng mua;
h) Thời hạn, hình thức và địa điểm thanh toán tiền trưng mua tài sản.
(2) Quyết định trưng mua tài sản phải được giao ngay cho người có tài sản trưng mua; trường hợp người có tài sản trưng mua vắng mặt thì quyết định trưng mua tài sản phải được giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi có tài sản trưng mua.
* Trường hợp quyết định trưng mua tài sản đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật mà người có tài sản trưng mua không chấp hành thì người quyết định trưng mua tài sản ra quyết định cưỡng chế thi hành và tổ chức cưỡng chế thi hành hoặc giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) nơi có tài sản trưng mua tổ chức cưỡng chế thi hành theo quy định tại Điều 17 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 về cưỡng chế thi hành quyết định trưng mua tài sản.
Tài sản trưng mua được bàn giao như thế nào?
Theo quy định tại Điều 16 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008, việc bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng mua được quy định như sau:
(1) Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng mua được thực hiện theo đúng đối tượng, thời gian và địa điểm quy định tại quyết định trưng mua tài sản. Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì phải có hồ sơ, giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu tài sản kèm theo; trường hợp vì lý do khách quan chưa cung cấp được hồ sơ, giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu tài sản đó thì thực hiện bàn giao tài sản theo hiện trạng.
(2) Thành phần tham gia bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng mua gồm có:
a) Người có tài sản trưng mua hoặc người đại diện hợp pháp;
b) Đại diện tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng mua.
(3) Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng mua phải được lập thành biên bản. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm có:
a) Tên, địa chỉ của người có tài sản trưng mua hoặc người đại diện hợp pháp;
b) Tên, địa chỉ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng mua;
c) Tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của tài sản trưng mua tại thời điểm bàn giao, tiếp nhận;
d) Thời gian và địa điểm bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng mua;
đ) Danh mục hồ sơ, giấy tờ kèm theo (nếu có).
(4) Trường hợp người có tài sản trưng mua hoặc người đại diện hợp pháp không có mặt tại địa điểm bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng mua theo thời hạn đã quy định thì trong biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản phải ghi rõ sự vắng mặt của họ và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trưng mua.
Giá trưng mua tài sản được quy định như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 18 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008, giá trưng mua tài sản được quy định như sau:
(1) Việc xác định giá trưng mua tài sản được quy định như sau:
a) Giá trưng mua tài sản được xác định căn cứ vào giá phổ biến trên thị trường địa phương của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và xuất xứ tại thời điểm quyết định trưng mua tài sản;
b) Trường hợp tại thời điểm thanh toán tiền trưng mua tài sản, giá thị trường của tài sản trưng mua cao hơn so với giá thị trường tại thời điểm quyết định trưng mua thì giá trưng mua tài sản được tính theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán;
c) Đối với tài sản là bất động sản, phương tiện kỹ thuật hoặc tài sản khác mà việc xác định chính xác giá khó thực hiện ngay tại thời điểm trưng mua tài sản thì người có thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản có thể thành lập hội đồng để xác định giá trưng mua tài sản.
(2) Giá trưng mua tài sản do người có tài sản trưng mua và người có thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản thỏa thuận theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và được ghi vào quyết định trưng mua tài sản. Trường hợp không thỏa thuận được thì người có thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản quyết định giá trưng mua tài sản; nếu người có tài sản trưng mua không đồng ý với giá này thì vẫn phải chấp hành nhưng có quyền khiếu nại.
Nhứ vậy, việc trưng mua tài sản được Nhà nước thực hiện theo quy định hiện hành và phải đảm bảo các yêu cầu về giá trưng mua tài sản, loại tài sản được trưng mua, thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.