Trong quá trình tham gia bảo hiểm nhân thọ nếu người tham gia không còn khả năng đóng phí nữa thì có được hoàn lại số tiền đã đóng không? Một người có thể tham gia bao nhiêu bảo hiểm nhân thọ?
Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là những ai?
Theo Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định về đối tượng của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như sau:
"Điều 31. Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người
1. Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, tính mạng, sức khoẻ và tai nạn con người.
2. Bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người sau đây:
a) Bản thân bên mua bảo hiểm;
b) Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm;
c) Anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng;
d) Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm."
Theo đó, đối tượng chính của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không phải con người làm tuổi thọ, tính mạng, sức khoẻ và tai nạn con người. Bên mua bảo hiểm cũng có hạn chế về việc mua bảo hiểm cho người khác; người mua chỉ được mua cho bản thân mình hoặc những người như vợ, chồng, con, cha, mẹ, anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng; hoặc mua cho người khác nếu bên mua có quyền lợi.
Bảo hiểm nhân thọ
Trong quá trình tham gia bảo hiểm nhân thọ nếu người tham gia không còn khả năng đóng phí nữa thì có được hoàn lại số tiền đã đóng không?
Căn cứ Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định về đóng phí bảo hiểm nhân thọ như sau:
"Điều 35. Đóng phí bảo hiểm nhân thọ
1. Bên mua bảo hiểm có thể đóng phí bảo hiểm một lần hoặc nhiều lần theo thời hạn, phương thức thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
2. Trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới hai năm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
3. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm từ hai năm trở lên mà doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng theo quy định tại khoản 2 Điều này thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
4. Các bên có thể thoả thuận khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm đã bị đơn phương đình chỉ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này trong thời hạn hai năm, kể từ ngày bị đình chỉ và bên mua bảo hiểm đã đóng số phí bảo hiểm còn thiếu."
Như vậy, phương thức thanh toán hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ do hai bên thỏa thuận. Trường hợp người tham gia có yêu cầu về việc trễ đóng bảo hiểm hoặc hoàn phí khi không tham gia nữa có thể thỏa thuận trong điều khoản hợp đồng.
Nếu trong thời gian tham gia mà người tham gia không thể đóng tiếp được nữa thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới hai năm.
Nếu người tham gia bảo hiểm đã tham gia bảo hiểm nhân thọ từ hai năm trở lên mà không thể tham gia đóng phí cho những đợt tiếp theo được nữa thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm.
Một người có thể tham gia bao nhiêu bảo hiểm nhân thọ?
Theo Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 và các văn bản sửa đổi, hướng dẫn về bảo hiểm thì hiện tại không có quy định hạn chế một người được tham gia bao nhiêu gói bảo hiểm nhân thọ của 01 công ty bảo hiểm. Nếu có hạn chế thì sẽ theo quy định của bên doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tại khoản 1 Điều 6 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010) như sau:
"Điều 6. Những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động bảo hiểm
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm được lựa chọn tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam hoặc sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới."
Căn cứ quy định trên thì người có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm quy định trong Giấy phép và phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.