Trình tự cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh thực hiện như thế nào?
- Trình tự cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh như thế nào?
- Người gọi trợ giúp khi cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh phải đảm bảo các yêu cầu gì?
- Nguyên tắc vận chuyển nạn nhân khi cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích ở trẻ em, học sinh như thế nào?
Trình tự cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh như thế nào?
Trình tự cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh được quy định tại Mục II Bài 1 Phần 1 Tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh (có tài liệu kèm theo) kèm theo Quyết định 966/QĐ-BGDĐT năm 2023 như sau:
Trình tự cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh theo trình tự ABCDE, cụ thể:
(1) Airway (A): Đường thở
Trước hết cần xác định nạn nhân còn tỉnh, còn tiếp xúc được hay không; nếu bị tắc nghẽn đường thở thì cần thực hiện ngay lập tức các động tác sau:
- Nghiêng người ghé tai sát miệng nạn nhân để xem còn thở hay không.
- Mở miệng nạn nhân kiểm tra xem có đờm dãi, dị vật hay không. Nếu nạn nhân vẫn còn khó thở, thì cần phải kiểm tra xem có phải do tụt lưỡi không; nếu tụt lưỡi thì phải tiến hành kéo lưỡi.
- Nâng cằm, đẩy hàm giữ cho đường thở được thẳng trục.
- Tiến hành thổi ngạt qua miệng hoặc mũi nếu bệnh nhân ngừng thở.
(2) Breathing (B): Hô hấp
Đánh giá rối loạn hô hấp dựa vào tần số thở, gắng sức hô hấp, xem trên ngực có vết thương không, đặc biệt các trường hợp có thể xử trí được ngay tại chỗ trong khi chờ đợi nhân viên y tế đến, nhất là khi:
- Nạn nhân bị ngừng thở, tím tái hay đe dọa ngừng thở phải tiến hành ngay hô hấp nhân tạo miệng - miệng hoặc miệng - mũi.
- Tổn thương hở ở ngực, cần đặt ngay miếng gạc hoặc lấy quần áo sạch, vải sạch đặt lên vết thương và băng kín để cầm máu và hạn chế khí tràn vào khoang ngực làm nạn nhân khó thở hơn. Tuyệt đối không lấy bỏ dị vật đang cắm trên ngực, nếu lấy bỏ dị vật ra thì có nguy cơ chảy máu ồ ạt, làm nạn nhân có thể tử vong nhanh chóng.
(3) Circulation (c): Tuần hoàn
Trong khi đánh giá và xử trí tuần hoàn, luôn kiểm tra đường thở và hô hấp. Đối với xử trí tuần hoàn, cần kiểm soát chảy máu.
Đánh giá về tuần hoàn dựa vào:
- Bắt mạch cánh tay, cổ tay, mạch bẹn. Trong trường hợp cấp cứu cơ bản ngoài cộng đồng có thể bỏ qua bước này nếu nạn nhân suy hô hấp.
- Nạn nhân có dấu hiệu lơ mơ, da xanh tái, nhợt nhạt, vã mồ hôi, đó là dấu hiệu mất máu. Cần phải có các biện pháp can thiệp để kiểm soát chảy máu bên ngoài, còn chảy máu bên trong cần phải can thiệp phẫu thuật mới kiểm soát được.
- Các biện pháp cầm máu đơn giản như băng ép hoặc ép chặt vào chỗ đang chảy máu bằng quần áo hoặc băng gạc sạch vô khuẩn, giữ nguyên đến khi nhân viên y tế đến, tuyệt đối không bỏ tay đang giữ ép ra hoặc bỏ gạc đang giữ để thay gạc mới sẽ làm cho máu chảy mạnh hơn và khó cầm máu.
Trường hợp nạn nhân có biểu hiện ngừng tim cần tiến hành biện pháp hồi sinh tim phổi bằng ép tim ngoài lồng ngực (nội dung được hướng dẫn cụ thể trong bài cấp cứu cơ bản).
(4) Disability (D): Thần kinh
- Cần đánh giá nhanh tổn thương hệ thần kinh theo 4 mức độ như sau:
Mức độ 1. Nạn nhân tỉnh và giao tiếp bình thường.
Mức độ 2. Nạn nhân đáp ứng (trả lời, cử chỉ) với lời nói khi được gọi, hỏi.
Mức độ 3. Nạn nhân đáp ứng với kích thích đau (chỉ áp dụng khi hỏi không thấy trả lời: mức độ 2).
Mức độ 4. Nếu không đáp ứng với lời nói khi hỏi (mức độ 2) hoặc kích thích đau (mức độ 3), như vậy nạn nhân đã hôn mê, tiên lượng rất xấu, nên chuyển sớm đến cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị.
- Trường hợp nạn nhân không tỉnh hoặc ở mức độ 4 thì có biểu hiện tổn thương não. Ngoài ra khi bệnh nhân đang tỉnh sau đó rơi vào hôn mê, hoặc có thay đổi ý thức theo các mức độ như trên thì thường là tiếp tục chảy máu hoặc thương tổn trong não nặng lên.
- Trường hợp nạn nhân có tổn thương ở đầu hay rách da, vỡ xương, thậm chí chảy dịch não tủy hoặc hở tổ chức não,... chỉ nên dùng gạc sạch hoặc quần áo sạch băng lên vết thương, tuyệt đối không bôi, đắp bất cứ thuốc, hóa chất, lá cây gì, không rút dị vật còn cắm tại đó ra.
(5) Exposure (E): Lộ toàn thân
- Khi sơ cứu nạn nhân đã ổn định, nên cởi bỏ quần áo nạn nhân để đánh giá các tổn thương khác tránh bỏ sót tổn thương.
- Cố định cột sống cổ nếu nghi ngờ chấn thương cột sống cổ: Nếu nạn nhân tỉnh táo, khuyến khích họ nằm yên hoàn toàn. Dùng nẹp cột sống chuyên dụng hoặc vật liệu có sẵn: túi cát, vật nặng, khăn vải cuộn chặt để cố định hai bên cột sống cổ, lưng, dùng băng keo hoặc dây để cột lại. Khi nạn nhân đã nằm trên ván cứng có thể đặt hai bao cát ở hai bên cổ chiều dài từ tai đến xương đòn rồi cố định bằng dây buộc ở trán, vai, cánh chậu, gối và cổ chân.
Lưu ý: Đặt nạn nhân ở tư thế an toàn
- Tư thế an toàn cho nạn nhân là tư thế nhằm để bảo vệ đường thở thông thoáng.
- Tất cả các nạn nhân hôn mê đều nên được đặt ở tư thế an toàn. Không nên thay đổi tư thế nạn nhân khi nghi ngờ có chấn thương cột sống như trường hợp chấn thương, liệt chân, đại tiểu tiện không tự chủ.
- Tư thế an toàn đối với nạn nhân hôn mê (để lưỡi không tụt về phía sau gây tắc nghẽn hầu họng hoặc tránh sặc chất nôn vào đường thở). Để nạn nhân nằm nghiêng, tay trên gấp, tay dưới duỗi thẳng ra trước mặt, chân trên co, chân dưới duỗi thẳng. Có thể dùng vải hoặc gối kê giữ nguyên bệnh nhân ở tư thế như vậy.
Cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh (Hình từ Internet)
Người gọi trợ giúp khi cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh phải đảm bảo các yêu cầu gì?
Yêu cầu đối với người gọi trợ giúp khi cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh được quy định tại tiểu mục 1 Mục III Bài 1 Phần 1 Tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh (có tài liệu kèm theo) kèm theo Quyết định 966/QĐ-BGDĐT năm 2023 như sau:
Câu từ rõ ràng, ngắn gọn và chính xác. Thông tin cung cấp đầy đủ về:
- Hiện trường: Vị trí, địa chỉ, đường đi,…
- Tai nạn: Loại tai nạn, tính chất nghiêm trọng của tai nạn.
- Nạn nhân: Số lượng, giới tính, tuổi, giờ đến cấp cứu nạn nhân, dấu hiệu nạn nhân, những sơ cứu đầu tiên đã làm, diễn biến và tình trạng nạn nhân,…
- Các nguy hiểm khác: Khí độc, chất nổ,…
- Thông tin để liên lạc: Tên của bạn, số điện thoại,…
- Chỉ dừng cuộc gọi sau khi người nhận cuộc gọi đã xác nhận và dừng cuộc gọi.
Nguyên tắc vận chuyển nạn nhân khi cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích ở trẻ em, học sinh như thế nào?
Nguyên tắc vận chuyển nạn nhân khi cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh được quy định tại tiểu mục 2 Mục III Bài 1 Phần 1 Tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh (có tài liệu kèm theo) kèm theo Quyết định 966/QĐ-BGDĐT năm 2023 như sau:
- Tốt nhất vận chuyển nạn nhân bằng các phương tiện chuyên dụng y tế: Cáng, xe đẩy, xe cứu thương,… Nếu không có hỗ trợ chuyên môn và phương tiện chuyên dụng y tế thì việc vận chuyển nạn nhân luôn luôn phải đảm bảo đúng kỹ thuật, nhanh chóng, an toàn cho cả nạn nhân và người vận chuyển, cụ thể như sau:
+ Chỉ được vận chuyển nạn nhân sau khi đã được sơ cứu, cấp cứu ban đầu.
+ Chỉ chuyển nạn nhân khi đảm bảo các yếu tố an toàn: Bảo vệ nạn nhân trong lúc di chuyển.
+ Bình tĩnh cân nhắc việc thực hiện ưu tiên cần làm tuỳ theo tình trạng tổn thương của nạn nhân.
+ Việc vận chuyển được thực hiện đồng đều theo hiệu lệnh thống nhất của người chỉ huy.
+ Theo dõi nạn nhân thường xuyên khi vận chuyển, đảm bảo nạn nhân luôn ở tư thế an toàn nhất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.