Tổ văn phòng trường tiểu học có nằm trong cơ cấu tổ chức của trường tiểu học không? Chủ thể nào có thẩm quyền lập tổ văn phòng?
Tổ văn phòng có thuộc cơ cấu tổ chức của trường tiểu học không?
Cơ cấu tổ chức của trường tiểu học được quy định tại Điều 9 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT như sau:
"Điều 9. Cơ cấu tổ chức của trường tiểu học
Cơ cấu tổ chức trường tiểu học gồm: hội đồng trường; hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỉ luật; hội đồng tư vấn; tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức Công đoàn; tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; các tổ chuyên môn; tổ văn phòng; lớp học sinh."
Ta thấy, cơ cấu hoạt tổ chức của trường tiểu học có quy định bao gồm tổ văn phòng trường tiểu học.
Tổ văn phòng trường tiểu học
Tổ văn phòng trường tiểu học do ai thành lập?
Theo điểm d khoản 1 Điều 11 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định hiệu trưởng trường tiểu học có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học, giáo dục; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền.
- Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỉ luật, hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan quản lý giáo dục; xây dựng kế hoạch phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, nhân viên; động viên và tạo điều kiện cho giáo viên và nhân viên tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục; thực hiện đánh giá, xếp loại giáo viên, nhân viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển, sắp xếp giáo viên; tổ chức các bước giới thiệu nhân sự đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phó hiệu trưởng.
- Quản lý, tiếp nhận học sinh, cho phép học sinh chuyển trường; quyết định kỉ luật, khen thưởng học sinh; phê duyệt kết quả đánh giá học sinh, danh sách học sinh lên lớp, lưu ban; tổ chức kiểm tra công nhận việc hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh trong nhà trường và các đối tượng khác trên địa bàn trường phụ trách.
- Tổ chức triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sách giáo khoa, nội dung giáo dục của địa phương theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thực hiện quản lý, sử dụng và lựa chọn các xuất bản phẩm tham khảo sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn; tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý. Dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý; tham gia giảng dạy theo quy định về định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng.
- Quản lý hành chính; quản lý và tự chủ trong việc sử dụng các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường theo quy định.
- Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện xã hội hoá giáo dục, phối hợp tổ chức, huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia hoạt động giáo dục, phát huy vai trò của nhà trường đối với cộng đồng xã hội.
- Xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo quy định của Pháp luật.
- Được hưởng chế độ phụ cấp đối với nhà giáo và các chính sách ưu đãi theo quy định.
Căn cứ vào các nhiệm vụ và quyền hạn nêu trên, ta thấy hiệu trưởng trường tiểu học có thẩm quyền lập tổ văn phòng của trường theo quy định.
Tổ văn phòng trường tiểu học có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào?
Về tổ chức hoạt động và nhiệm vụ của tổ văn phòng được quy định tại Điều 15 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT như sau:
- Mỗi trường tiểu học có một tổ văn phòng gồm nhân viên thực hiện các công tác văn thư, kế toán, thủ quỹ, y tế trường học và các công tác khác. Tổ văn phòng có tổ trưởng, tổ phó theo quy định.
- Tổ văn phòng có những nhiệm vụ sau:
+ Căn cứ kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ theo tuần, tháng, năm học nhằm phục vụ cho việc thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học và hoạt động giáo dục của nhà trường.
+ Giúp hiệu trưởng thực hiện công tác văn thư, nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản trong nhà trường và hạch toán kế toán, thống kê theo chế độ quy định.
+ Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ và của nhà trường.
+ Tham gia đánh giá, xếp loại viên chức, người lao động; giới thiệu tổ trưởng, tổ phó.
+ Quản lý, lưu trữ hồ sơ của trường.
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác khi hiệu trưởng phân công.
- Tổ văn phòng sinh hoạt ít nhất một tháng một lần hoặc khi có yêu cầu của công việc.
Như vậy, ta thấy, tổ văn phòng trường tiểu học là một trong những bộ phận, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của trường tiểu học. Theo đó, thẩm quyền thành lập tổ văn phòng trường tiểu học được thực hiện bởi hiệu trưởng trường tiểu học. Khi được thành lập, tổ văn phòng trường tiểu học tổ chức hoạt động và thực hiện những nhiệm vụ theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.