Tổ chức tuyển sinh đại học được quy định như thế nào? Trường hợp vi phạm về quy định về tổ chức tuyển sinh có bị xử phạt không?

Tôi đang tìm hiểu các quy định liên quan đến tuyển sinh vào các trường đại học, cụ thể là tổ chức tuyển sinh được quy định như thế nào? Trường hợp vi phạm về quy định về tổ chức tuyển sinh có bị xử phạt không? Hình thức xử phạt và mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm về tổ chức tuyển sinh. Mong nhận được tư vấn cụ thể.

Tổ chức tuyển sinh

Tổ chức tuyển sinh

Tổ chức tuyển sinh đại học được quy định như thế nào?

Tại Điều 6 Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm Thông tư 09/2020/TT-BGDĐT quy định về tổ chức tuyển sinh như sau:

"1. Nếu sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để sơ tuyển, xét tuyển, các trường thực hiện các quyền và nhiệm vụ sau:

a) Xác định và công bố công khai tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành, trong đó, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội là các bài thi; các môn thi thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên, bài thi Khoa học Xã hội là môn thi;

b) Căn cứ hướng dẫn xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của Bộ GDĐT để quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện xét tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành học của các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2; khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Quy chế này;

c) Các trường có thủ tục sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá năng lực, tổ chức thi năng khiếu và các hình thức thi khác kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT phải ghi rõ trong Đề án tuyển sinh và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trên phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển; phương thức tổ chức thi, phương thức xét tuyển và đề thi minh họa; phải thực hiện quy trình xét tuyển quy định tại khoản 6 Điều 10 của Quy chế này.

2. Nếu không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, các trường thực hiện các quyền và nhiệm vụ sau:

a) Lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển;

Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: Ra đề thi, coi thi, chấm thi (nếu tổ chức thi tuyển); xét tuyển và thông báo thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh;

b) Nếu sử dụng kết quả thi tuyển sinh của trường khác hoặc của tổ chức khảo thí uy tín trên thế giới để xét tuyển phải quy định cụ thể trong Đề án tuyển sinh của trường;

c) Có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một ngành hoặc nhóm ngành (sau đây gọi chung là ngành);

d) Đảm bảo các yêu cầu: Công bố Đề án tuyển sinh đúng quy định, không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi; đảm bảo công bằng (lấy kết quả từ cao xuống thấp), công khai, minh bạch trong tuyển sinh; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội.

3. Các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh. Các trường thực hiện kết hợp các phương thức quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ tương ứng với từng phương thức.

4. Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập THPT được ghi trong học bạ do hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp hoặc trong học bạ/bảng điểm về việc học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành cấp cho người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp và/hoặc với điểm của trường tổ chức sơ tuyển, thi tuyển (theo quy định tại Điều 12 của Quy chế này) thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT phải đảm bảo các ngưỡng theo quy định của Quy chế này. Cụ thể:

a) Điểm bài thi/môn thi xét tuyển hoặc điểm trung bình cộng các bài thi/môn thi xét tuyển sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng tổ hợp các bài thi/môn thi theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định;

b) Xét tuyển trình độ ĐH sử dụng kết quả học tập THPT: Điểm bài thi/môn thi xét tuyển hoặc điểm trung bình cộng các bài thi/môn thi xét tuyển được quy định như sau:

Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học tối thiểu là 8,0 trở lên;

Đối với các ngành: Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng tối thiểu là 6,5 trở lên;

Đối với ngành Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao tối thiểu là 6,5 trở lên. Nếu đối tượng dự tuyển là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đoạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia, quốc tế hoặc có điểm thi năng khiếu do trường tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9,0 trở lên theo thang điểm 10,0) thì điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT tối thiểu là 5,0 trở lên;

Đối với ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật tối thiểu là 6,5 trở lên. Nếu đối tượng dự tuyển có điểm thi năng khiếu do trường tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9,0 trở lên theo thang điểm 10,0) thì điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT tối thiểu là 5,0 trở lên;

c) Xét tuyển trình độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non sử dụng kết quả học tập THPT: Điểm bài thi/môn thi xét tuyển hoặc điểm trung bình cộng các bài thi/môn thi xét tuyển tối thiểu là 6,5 trở lên.

5. Trường hợp xét tuyển từ điểm sơ tuyển, thi tuyển do trường tổ chức với điểm thi tốt nghiệp THPT và/hoặc kết quả học tập THPT thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 và việc thi tuyển phải thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Quy chế này.

6. Các trường có thể tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm nhưng phải công bố cụ thể trong Đề án tuyển sinh của trường."

Trường hợp vi phạm về quy định về tổ chức tuyển sinh có bị xử phạt không?

Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh theo Điều 8 Nghị định 04/2021/NĐ-CP như sau:

"1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;
b) Thông báo tuyển sinh không đủ thời gian theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công bố chỉ tiêu tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh;
b) Không thực hiện đúng quy trình tuyển sinh theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào;
b) Thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành hoặc chương trình giáo dục của nước ngoài khi chưa được phép thực hiện.
5. Hình thức xử phạt bổ sung: Trục xuất người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này."

Do đó, khi có hành vi vi phạm về tổ chức tuyển sinh thì sẽ áp dụng các mức phạt theo Điều 8 Nghị định 04/2021/NĐ-CP.

Hình thức xử phạt và mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm về tổ chức tuyển sinh

Tại Điều 3 Nghị định 04/2021/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định 127/2021/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt và mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm về tổ chức tuyển sinh:

"1. Hình thức xử phạt chính:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

b) Trục xuất;

c) Đình chỉ hoạt động có thời hạn.

3. Mức tiền phạt trong lĩnh vực giáo dục:

a) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân là 75.000.000 đồng, đối với tổ chức là 150.000.000 đồng;

b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại khoản 5 Điều 9, khoản 2 Điều 11, khoản 1 và các điểm a, b, c, d, e khoản 3 Điều 14, điểm b khoản 3 Điều 21, khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 29 của Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức

4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

Nhiều tổ chức hoặc cá nhân cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi tổ chức hoặc cá nhân vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó."

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,702 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào