Thủ tục đăng ký góp vốn bằng xe ô tô vào thành lập doanh nghiệp hiện nay được thực hiện như thế nào?
- Thủ tục đăng ký góp vốn bằng xe ô tô vào thành lập doanh nghiệp hiện nay được thực hiện như thế nào?
- Người thành lập doanh nghiệp được ký những loại hợp đồng nào trước quá trình đăng ký doanh nghiệp?
- Việc thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh được thực hiện theo những phương thức nào?
Thủ tục đăng ký góp vốn bằng xe ô tô vào thành lập doanh nghiệp hiện nay được thực hiện như thế nào?
Việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng xe ô tô cá nhân được thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
Bước 1: Định giá tài sản góp vốn (xe ô tô)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Định giá tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
2. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
3. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Dựa vào căn cứ trên thì khi bạn góp vốn bằng xe ô tô thì phải định giá xe bằng một trong hai cách:
Cách 1 là các thành viên định giá theo nguyên tắc đồng thuận;
Cách 2 là thuê tổ chứ thẩm định giá và phải được trên 50% thành viên chấp thuận.
Bước 2: Ký kết hợp đồng góp vốn tài sản
Sau khi thực hiện việc định giá tài sản góp vốn là chiếc xe ô tô thì bạn (người góp vốn) và công ty của bạn thực hiện việc ký kết hợp đồng góp vốn tài sản vào công ty theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Trước khi làm thủ tục sang tên xe ô tô cho công ty, các thành viên góp vốn cần tiến hành thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, gửi hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty dự kiến đặt trụ sở chính.
Lưu ý các thành viên phải góp vốn cho công ty đúng và đủ loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản.
Về thành phần hồ sơ, bạn cần chuẩn bị các hồ sơ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, gồm:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
2. Điều lệ công ty;
3. Danh sách thành viên;
4. Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức đối với thành viên; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Thời hạn giải quyết hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Bước 4: Chuyển quyền sở hữu từ người góp vốn sang công ty
Sau khi hoàn thành việc ký kết hợp đồng góp vốn và trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cần hoàn thành thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu xe ô tô cho công ty theo Điều 14 Thông tư 24/2023/TT-BCA, Điều 15 Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
Thành lập doanh nghiệp (Hình từ Internet)
Người thành lập doanh nghiệp được ký những loại hợp đồng nào trước quá trình đăng ký doanh nghiệp?
Theo khoản 1 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp
1. Người thành lập doanh nghiệp được ký hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.
2. Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết quy định tại khoản 1 Điều này và các bên phải thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác.
3. Trường hợp doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng; trường hợp có người khác tham gia thành lập doanh nghiệp thì cùng liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.
Theo đó, người thành lập doanh nghiệp được ký những hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước quá trình đăng ký doanh nghiệp.
Việc thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh được thực hiện theo những phương thức nào?
Việc thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh được thực hiện theo những phương thức được quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
- Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.