Thông tin về hình thức sử dụng đất có mấy hình thức? Hình thức sử dụng đất có thuộc nội dung hồ sơ địa chính không?
Thông tin về hình thức sử dụng đất có mấy hình thức?
Căn cứ theo điểm a khoản 5 Điều 8 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định như sau:
Thông tin về thửa đất
...
5. Thông tin về hình thức sử dụng đất được thể hiện như sau:
a) Thông tin về hình thức sử dụng đất gồm hình thức sử dụng chung và hình thức sử dụng riêng.
Hình thức sử dụng đất riêng đối với trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của một người sử dụng đất như: một cá nhân, một tổ chức, một cộng đồng dân cư, một người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Hình thức sử dụng đất chung đối với trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng chung của từ hai (02) người sử dụng đất trở lên như: nhiều cá nhân hoặc nhiều tổ chức hoặc của cá nhân và tổ chức, quyền sử dụng đất chung của vợ và chồng, quyền sử dụng đất của các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình;
b) Việc thể hiện hình thức sử dụng đất như sau:
- Hình thức sử dụng đất riêng được thể hiện: “Sử dụng riêng”;
- Hình thức sử dụng đất chung được thể hiện: “Sử dụng chung”;
- Trường hợp thửa đất có phần diện tích thuộc quyền sử dụng chung của nhiều người sử dụng đất và có phần diện tích thuộc quyền sử dụng riêng của từng người sử dụng đất thì thể hiện: “... m2 sử dụng chung; ... m2 sử dụng riêng”;
- Trường hợp thửa đất có nhiều loại đất và có hình thức sử dụng chung, sử dụng riêng đối với từng loại đất thì lần lượt ghi “Sử dụng riêng” và loại đất sử dụng, diện tích đất sử dụng riêng; ghi “Sử dụng chung” và loại đất sử dụng, diện tích đất sử dụng chung. Ví dụ: “Sử dụng riêng: Đất ở 120m2, đất trồng cây lâu năm 300m2; Sử dụng chung: Đất ở 50m2, đất trồng cây hằng năm 200m2”;
- Trường hợp thửa đất có nhà chung cư mà chủ đầu tư đã bán căn hộ đầu tiên thì Giấy chứng nhận cấp cho chủ sở hữu căn hộ chung cư thể hiện “Sử dụng chung”.
6. Thông tin về địa chỉ thửa đất gồm: số nhà, tên đường, phố (nếu có); tên điểm dân cư (tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, điểm dân cư tương tự) hoặc tên khu vực, xứ đồng (đối với thửa đất ngoài khu dân cư); tên đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh nơi có thửa đất.
...
Theo đó, thông tin về hình thức sử dụng đất sẽ bao gồm 02 hình thức: Hình thức sử dụng chung và hình thức sử dụng riêng.
- Hình thức sử dụng đất riêng đối với trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của một người sử dụng đất như: một cá nhân, một tổ chức, một cộng đồng dân cư, một người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
- Hình thức sử dụng đất chung đối với trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng chung của từ hai (02) người sử dụng đất trở lên như: nhiều cá nhân hoặc nhiều tổ chức hoặc của cá nhân và tổ chức, quyền sử dụng đất chung của vợ và chồng, quyền sử dụng đất của các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Thông tin về hình thức sử dụng đất có mấy hình thức? Hình thức sử dụng đất có thuộc nội dung hồ sơ địa chính không? (Hình từ Internet)
Hình thức sử dụng đất có thuộc nội dung hồ sơ địa chính không?
Căn cứ theo điểm e khoản 1 Điều 6 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định như sau:
Nội dung hồ sơ địa chính
Nội dung hồ sơ địa chính bao gồm các thông tin sau:
1. Thông tin về thửa đất, đối tượng địa lý hình tuyến, gồm:
a) Số hiệu;
b) Địa chỉ;
c) Ranh giới;
d) Diện tích;
đ) Loại đất;
e) Hình thức sử dụng đất;
g) Thời hạn sử dụng đất;
h) Nguồn gốc sử dụng đất;
i) Thông tin về nghĩa vụ tài chính;
k) Thông tin về hạn chế quyền sử dụng đất, quyền đối với thửa đất liền kề (nếu có);
l) Thông tin về tài liệu đo đạc.
2. Thông tin về tài sản gắn liền với đất gồm: tên tài sản, đặc điểm của tài sản, hình thức sở hữu, thời hạn sở hữu, địa chỉ tài sản, hạn chế quyền đối với tài sản.
...
Như vậy, hình thức sử dụng đất sẽ thuộc về phần nội dung hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật.
Thông tin trong hồ sơ địa chính được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 7 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định về thông tin trong hồ sơ địa chính như sau:
- Các thông tin trong hồ sơ địa chính phải đảm bảo tính thống nhất giữa các thành phần của hồ sơ địa chính, trừ các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 7 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.
- Trường hợp không thống nhất thông tin giữa các tài liệu của hồ sơ địa chính thì phải thực hiện kiểm tra, đối chiếu các tài liệu trong hồ sơ địa chính và hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận để xác định thông tin làm cơ sở chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính.
- Trường hợp thành lập bản đồ địa chính mới thay thế tài liệu, số liệu đo đạc đã sử dụng để thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận trước đây mà đã cấp đổi Giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính mới thì xác định thông tin theo kết quả cấp đổi Giấy chứng nhận.
- Trường hợp thành lập bản đồ địa chính mới thay thế tài liệu, số liệu đo đạc đã sử dụng để thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận trước đây mà chưa cấp đổi Giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính mới thì xác định các thông tin như sau:
+ Các thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, thông tin về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được xác định theo Giấy chứng nhận đã cấp; trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp không thể hiện đầy đủ thông tin thì xác định thông tin theo sổ địa chính và hồ sơ thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận;
+ Các thông tin về đường ranh giới (hình dạng, kích thước các cạnh và tọa độ các đỉnh thửa), diện tích của thửa đất được xác định theo bản đồ địa chính mới; trường hợp đường ranh giới thực tế của thửa đất trên bản đồ địa chính mới đã có biến động so với ranh giới thể hiện trên Giấy chứng nhận đã cấp thì thông tin về đường ranh giới và diện tích sử dụng đất được xác định theo Giấy chứng nhận đã cấp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.