Thời hạn công ty phải nộp hồ sơ thai sản là bao lâu? Công ty không lập hồ sơ thai sản trong thời hạn theo quy định có bị phạt không?
Quy định về thời hạn công ty phải nộp hồ sơ thai sản là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản như sau:
- Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Theo quy định nêu trên, công ty sẽ phải nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người lao động trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động.
Do đó, trường hợp chị Khuyên đã nộp đầy đủ hồ sơ cho công ty và đã qua thời hạn là 10 ngày (11 ngày) vẫn chưa thấy công ty gửi hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội là không đúng theo quy định.
Thời hạn công ty phải nộp hồ sơ thai sản
Công ty không lập hồ sơ thai sản trong thời hạn 10 ngày có bị phạt không?
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, vi phạm các quy định khác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp như sau:
"4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng; không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực;
b) Không lập danh sách người lao động hoặc không lập hồ sơ hoặc không nộp hồ sơ đúng thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 102, khoản 1 Điều 103, khoản 1 Điều 110, khoản 2 Điều 112 của Luật Bảo hiểm xã hội; khoản 1 Điều 59, khoản 1 Điều 60 của Luật An toàn, vệ sinh lao động;
c) Không giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại Điều 47 của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội đi khám giám định suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa;
d) Không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 21 của Luật Bảo hiểm xã hội."
Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp công ty không lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ thai sản đúng hạn
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
"Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân."
Như vậy, với trường hợp công ty của chị Khuyên không lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ thai sản cho chị đúng thời hạn thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, trường hợp là tổ chức thì sẽ bị phạt tiền gấp đôi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.