Thời gian xác định lại mức độ khuyết tật kể từ khi người đề nghị xác định lại mức độ khuyết tật nộp hồ sơ là bao lâu?
Thời gian xác định lại mức độ khuyết tật kể từ khi người đề nghị xác định lại mức độ khuyết tật nộp hồ sơ là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 08/2023/TT-BLĐTBXH như sau:
Thủ tục và trình tự thực hiện xác định, xác định lại mức độ khuyết tật
1. Khi có nhu cầu xác định, xác định lại mức độ khuyết tật thì người đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật làm hồ sơ theo quy định tại Điều 4 Thông tư này gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo quy định của pháp luật.
2. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người đề nghị, Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm:
a) Gửi văn bản tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật đang đi học theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Triệu tập các thành viên, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ;
c) Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo phương pháp quy định tại Điều 3 Thông tư này; lập hồ sơ, biên bản kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.
Đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, Hội đồng căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP;
d) Biên bản họp Hội đồng ghi theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này.
Bên cạnh đó, tại Điều 2 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH có quy định như sau:
Hoạt động của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật
1. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) quyết định thành lập gồm các thành viên sau:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng;
....
Theo đó, khi có nhu cầu xác định lại mức độ khuyết tật thì người đề nghị làm hồ sơ theo quy định và gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo quy định của pháp luật.
Sau khi nhận được hồ sơ của người đề nghị, trong vòng 20 ngày làm việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ tiến hành:
- Gửi văn bản tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật đang đi học;
- Triệu tập các thành viên, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ;
- Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật;
- Lập hồ sơ, biên bản kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.
- Lập biên bản họp Hội đồng.
Như vậy, thời gian xác định lại mức độ khuyết tật của cá nhân sẽ là 20 ngày kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nhận được hồ sơ đề nghị.
Thời gian xác định lại mức độ khuyết tật kể từ khi người đề nghị xác định lại mức độ khuyết tật nộp hồ sơ là bao lâu? (Hình từ Internet)
Việc xác định lại mức độ khuyết tật thường được thực hiện ở đâu?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH như sau:
Thủ tục và trình tự thực hiện xác định, xác định lại mức độ khuyết tật
...
3. Việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật được tiến hành tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trạm y tế. Trường hợp người khuyết tật không thể đến được địa điểm quy định trên thì Hội đồng tiến hành quan sát và phỏng vấn người khuyết tật tại nơi cư trú của người khuyết tật.
...
Như vậy, việc thực hiện xác định lại mức độ khuyêt tật thường được tiến hành tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trạm y tế.
Tuy nhiên, trong trường hợp người khuyết tật không thể đến được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trạm y tế thì Hội đồng tiến hành quan sát và phỏng vấn người khuyết tật tại nơi cư trú của người khuyết tật.
Người đề nghị xác định lại mức độ khuyết tật cần chuẩn bị những hồ sơ gì?
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH về hồ sơ xác định lại mức độ khuyết tật như sau:
Hồ sơ đề nghị xác định, xác định lại mức độ khuyết tật; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật
1. Đơn đề nghị xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Bản sao các giấy tờ liên quan đến khuyết tật (nếu có) như: bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật, Giấy xác nhận khuyết tật cũ và các giấy tờ có liên quan khác.
3. Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP có hiệu lực hoặc các giấy tờ liên quan khác (nếu có).
4. Trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 8 và điểm b, Khoản 2 Điều 8 thì không phải nộp các giấy tờ quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
Như vậy, người đề nghị xác định lại mức độ khuyết tật cần chuẩn bị những hồ sơ sau đây:
(1) Đơn đề nghị xác định lại mức độ khuyết tật. (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH)
(2) Bản sao các giấy tờ liên quan đến khuyết tật (nếu có) như: bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật, Giấy xác nhận khuyết tật cũ và các giấy tờ có liên quan khác.
(3) Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa trước ngày 01/6/2012 hoặc các giấy tờ liên quan khác (nếu có).
Lưu ý: Không phải nộp các giấy tờ số (2) và số (3) nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Giấy xác nhận khuyết tật sai thông tin so với Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý khác hoặc tật hư hỏng không sử dụng được.
- Mất giấy xác nhận khuyết tật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.