Thời gian công tác xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với cá nhân không bao gồm những khoảng thời gian nào?
- Thời gian công tác xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với cá nhân không bao gồm những khoảng thời gian nào?
- Quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân trong công tác xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quy định thế nào?
- Hồ sơ xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với cá nhân bao gồm những gì?
Thời gian công tác xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với cá nhân không bao gồm những khoảng thời gian nào?
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 889/QĐ-BHXH năm 2024 quy định về đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương như sau:
Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương
1. Công chức, viên chức, người lao động đang công tác trong ngành BHXH Việt Nam có đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển của ngành BHXH Việt Nam.
2. Cá nhân làm công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển của ngành BHXH Việt Nam.
...
Và theo khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 889/QĐ-BHXH năm 2024 quy định về tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương như sau:
Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương
1. Đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 4 có tổng thời gian công tác trong ngành BHXH Việt Nam từ đủ 20 năm trở lên đối với nam, 17 năm trở lên đối với nữ, được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Thời gian thi hành kỷ luật; thời gian được đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở xuống không được tính vào thời gian công tác để xét tặng Kỷ niệm chương.
2. Đối với các cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 4 có tổng thời gian làm công tác BHXH, BHYT, BHTN từ đủ 20 năm trở lên đối với nam, 17 năm trở lên đối với nữ, được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Thời gian thi hành kỷ luật; thời gian được đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở xuống không được tính vào thời gian công tác để xét tặng Kỷ niệm chương.
...
Theo đó, cá nhân đang công tác trong ngành BHXH Việt Nam hoặc làm công tác BHXH, BHYT, BHTN thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển của ngành BHXH Việt Nam thuộc đối tượng được xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Và, cá nhân phải đáp ứng điều kiện về thời gian công tác từ đủ 20 năm trở lên đối với nam, 17 năm trở lên đối với nữ và phải được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Đặc biệt, thời gian thi hành kỷ luật và thời gian được đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở xuống của cá nhân trong quá trình công tác sẽ không được tính vào tổng thời gian công tác xét tặng Kỷ niệm chương.
Thời gian công tác xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với cá nhân không bao gồm những khoảng thời gian nào? (Hình từ Internet).
Quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân trong công tác xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quy định thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 889/QĐ-BHXH năm 2024 thì cá nhân được xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo hiểm xã hội Việt Nam có những quyền lợi và trách nhiệm sau:
- Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương được nhận Bằng, khung, Kỷ niệm chương, hộp đựng Kỷ niệm chương và kèm theo mức tiền thưởng 0,6 lần mức lương cơ sở.
- Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương có trách nhiệm gìn giữ, bảo quản, trưng bày trang trọng và phát huy truyền thống của BHXH Việt Nam, gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Tổ chức đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương, thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định về trình tự, hồ sơ, thời hạn gửi và đảm bảo tính chính xác của hồ sơ theo quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
- Người xác nhận thành tích, cá nhân báo cáo không trung thực về tiêu chuẩn, điều kiện để được xét tặng Kỷ niệm chương thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
- Cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo về việc đề nghị và xét tặng Kỷ niệm chương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Hồ sơ xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với cá nhân bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 889/QĐ-BHXH năm 2024 như sau:
Hồ sơ xét tặng Kỷ niệm chương
1. Hồ sơ đề nghị xét tăng Kỷ niệm chương gồm:
a) Tờ trình đề nghị tặng Kỷ niệm chương (mẫu số 01);
b) Danh sách, trích ngang tóm tắt thành tích của các trường hợp đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương (theo mẫu số 02, mẫu số 03 và mẫu số 04). Kèm Bản sao Quyết định khen thưởng nếu thuộc đối tượng xét ưu tiên theo Điều 8.
2. Thành phần, thời hạn gửi hồ sơ
a) Hồ sơ được lập thành 02 bộ (01 bộ gửi về BHXH Việt Nam, 01 bộ lưu tại đơn vị).
b) Hồ sơ gửi về BHXH Việt Nam (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng):
- Hằng năm gửi trước ngày 30 tháng 10.
- Các trường hợp đột xuất, đặc biệt không quy định thời gian, gửi ngay sau khi hoàn thiện hồ sơ.
Theo đó, hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương gồm:
(1) Tờ trình đề nghị tặng Kỷ niệm chương
(2) Danh sách, trích ngang tóm tắt thành tích của cá nhân được đề nghị xét tặng
(3) Bản sao Quyết định khen thưởng nếu thuộc đối tượng xét ưu tiên theo Điều 8 Quy chế này.
Hồ sơ gửi về BHXH Việt Nam qua Vụ Thi đua - Khen thưởng trước ngày 30 tháng 10 hằng năm. Đối với các trường hợp đột xuất, đặc biệt không quy định thời gian, gửi ngay sau khi hoàn thiện hồ sơ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.