Thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được quy định như thế nào?
- Thời điểm bắt đầu thời gian phục vụ trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được quy định như thế nào?
- Thời điểm kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được quy định như thế nào?
- Người đang phục vụ trong quân đội phạm tội thì Tòa án quân sự sẽ xét xử trong mọi trường hợp đúng không?
Thời điểm bắt đầu thời gian phục vụ trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC thì thời điểm bắt đầu thời gian phục vụ trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được xác định như sau:
- Đối với tuyển quân hằng năm đi nghĩa vụ quân sự là thời điểm giao nhận quân;
- Đối với trường hợp gọi công dân nhập ngũ lẻ là thời điểm tiếp nhận công dân nhập ngũ lẻ theo quy định của cấp có thẩm quyền và chịu sự quản lý về mọi mặt của Quân đội;
- Đối với công dân trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh quân sự vào đào tạo tại các cơ sở giáo dục đào tạo là thời điểm tiếp nhận công dân trúng tuyển theo quy định của cấp có thẩm quyền và chịu sự quản lý về mọi mặt của Quân đội;
- Đối với trường hợp gọi sĩ quan dự bị vào phục vụ tại ngũ là thời điểm cơ quan, đơn vị tiếp nhận theo quy định của cấp có thẩm quyền và chịu sự quản lý về mọi mặt của Quân đội;
- Đối với trường hợp gọi nhập ngũ khi có lệnh động viên là thời điểm đơn vị lực lượng thường trực của Quân đội tiếp nhận theo quyết định của cấp có thẩm quyền và chịu sự quản lý về mọi mặt của Quân đội;
- Đối với trường hợp tuyển dụng là ngày quyết định tuyển dụng của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành và chịu sự quản lý về mọi mặt của Quân đội;
- Đối với trường hợp tiếp nhận người chấp hành hình phạt tù bị oan sai, mất tích, quân nhân đào ngũ đã cắt quân số trở lại đơn vị là ngày quyết định tiếp nhận trở lại cơ quan, đơn vị phục vụ Quân đội có hiệu lực thi hành;
- Đối với quân nhân dự bị, dân quân, tự vệ là thời điểm họ được quy định phải có mặt tập trung để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra, phối thuộc chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chịu sự quản lý trực tiếp của đơn vị Quân đội;
- Đối với lao động hợp đồng là thời điểm bắt đầu làm việc theo thỏa thuận đã ký kết trong hợp đồng lao động;
- Đối với các đối tượng khác được điều động, trưng tập làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng là thời điểm công dân bắt đầu thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và chịu sự quản lý trực tiếp của đơn vị Quân đội.
Thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Thời điểm kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC thì thời điểm kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được xác định như sau:
- Đối với trường hợp nghỉ hưu, phục viên, xuất ngũ, thôi việc, nghỉ theo chế độ bệnh binh, chuyển ngành là ngày quyết định có hiệu lực thi hành;
- Đối với trường hợp chuyển về các Trung tâm Điều dưỡng thương binh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng người có công là từ thời điểm cơ quan, đơn vị bàn giao quân nhân, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng cho trung tâm hoặc cơ sở;
- Đối với trường hợp tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc là thời điểm bàn giao quân nhân cho cơ quan quân sự cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú;
- Đối với trường hợp đào ngũ là ngày cơ quan, đơn vị thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan quân sự cấp huyện nơi họ cư trú và gia đình về việc giảm quân số quản lý khỏi biên chế của Quân đội đối với quân nhân đào ngũ;
- Trường hợp quân nhân, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng bỏ ngũ chạy sang hàng ngũ địch hoặc trốn ra nước ngoài là ngày người đó thực hiện hành vi này;
- Trường hợp công chức, công nhân, viên chức quốc phòng tự ý bỏ việc không có lí do là ngày cơ quan, đơn vị thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú và gia đình về việc này;
- Đối với quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng được cử đi đào tạo ở nước ngoài, hết thời hạn học tập, nếu không được phép của cấp có thẩm quyền mà tự ý ở lại nước ngoài là thời điểm cơ quan, đơn vị thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan quân sự cấp huyện nơi họ cư trú và gia đình về việc giảm quân số quản lý khỏi biên chế Quân đội;
- Đối với quân nhân dự bị, dân quân, tự vệ là thời điểm kết thúc thời hạn tập trung để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, kiểm tra, phối thuộc chiến đấu, phục vụ chiến đấu và không còn chịu sự quản lý trực tiếp của đơn vị Quân đội;
- Đối với lao động hợp đồng là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động theo thỏa thuận hoặc ghi trong biên bản thanh lý hợp đồng lao động;
- Đối với các đối tượng khác được điều động, trưng tập làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng là thời điểm hết thời hạn thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và không còn chịu sự quản lý trực tiếp của đơn vị Quân đội.
Người đang phục vụ trong quân đội phạm tội thì Tòa án quân sự sẽ xét xử trong mọi trường hợp đúng không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC như sau:
Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo đối tượng
...
3. Đối với người đang phục vụ trong Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử tất cả các vụ án mà người đó phạm tội, không phân biệt loại tội và thời điểm họ thực hiện tội phạm.
Đối với người không còn phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm do họ thực hiện trong thời gian phục vụ trong Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử những tội phạm hướng dẫn tại khoản 2 Điều này; những tội phạm khác do Tòa án nhân dân xét xử.
Như vậy, người đang phục vụ trong quân đội phạm tội thì Tòa án quân sự tất cả các vụ án của người đó, không phân biệt loại tội và thời điểm họ thực hiện tội phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.