Thỏa thuận hòa giải thương mại được xác lập dưới hình thức nào? Có nhất thiết phải xác lập bằng văn bản hay không?
- Thỏa thuận hòa giải thương mại được xác lập dưới hình thức nào? Có nhất thiết phải xác lập bằng văn bản hay không?
- Các bên tranh chấp trong hòa giải thương mại có thể thỏa thuận lựa chọn số lượng hòa giải viên được không?
- Người có án tích có được làm hòa giải viên thương mại không?
- Hòa giải viên thương mại được phép từ chối thực hiện hoạt động hòa giải thương mại không?
Thỏa thuận hòa giải thương mại được xác lập dưới hình thức nào? Có nhất thiết phải xác lập bằng văn bản hay không?
Thỏa thuận hòa giải thương mại (Hình từ Internet)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP, thỏa thuận hòa giải là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh bằng phương thức hòa giải.
Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định về thỏa thuận hòa giải như sau:
Thỏa thuận hòa giải
1. Thỏa thuận hòa giải có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
2. Thỏa thuận hòa giải được xác lập bằng văn bản.
Theo đó, thỏa thuận hòa giải thương mại được xác lập dưới hình thức sau:
- Hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng.
- Hình thức thỏa thuận riêng.
Ngoài ra, thỏa thuận hòa giải phải xác lập bằng văn bản.
Các bên tranh chấp trong hòa giải thương mại có thể thỏa thuận lựa chọn số lượng hòa giải viên được không?
Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 22/2017/NĐ-CP có quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tranh chấp trong quá trình hòa giải như sau:
Quyền, nghĩa vụ của các bên tranh chấp trong quá trình hòa giải
1. Các bên tranh chấp có các quyền sau đây:
a) Lựa chọn trình tự, thủ tục hòa giải, hòa giải viên thương mại, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải;
b) Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải;
c) Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai;
d) Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung hòa giải;
đ) Các quyền khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
2. Các bên tranh chấp có các nghĩa vụ sau đây:
a) Trình bày đúng sự thật, các tình tiết của tranh chấp, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp theo đề nghị của hòa giải viên thương mại;
b) Thi hành kết quả hòa giải thành;
c) Trả thù lao và chi phí dịch vụ hòa giải thương mại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Và căn cứ theo Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định như sau:
Trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải
1. Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận.
2. Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên.
3. Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp.
4. Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.
Theo quy định, các bên tranh chấp trong hòa giải thương mại có quyền chọn hòa giải viên thương mại. Và tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên.
Như vậy, các bên tranh chấp trong hòa giải thương mại có thể thỏa thuận lựa chọn số lượng hòa giải viên.
Người có án tích có được làm hòa giải viên thương mại không?
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 22/2017/NĐ-CP có quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại như sau:
Tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại
1. Người có đủ tiêu chuẩn sau đây thi được làm hòa giải viên thương mại:
a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan;
b) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên;
c) Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.
2. Hòa giải viên thương mại được thực hiện hòa giải thương mại với tư cách là hòa giải viên thương mại vụ việc hoặc hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại theo quy định tại Nghị định này.
3. Tổ chức hòa giải thương mại có thể quy định tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cao hơn các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này.
4. Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm hòa giải viên thương mại.
Như vậy, người có án tích sẽ không được làm hòa giải viên thương mại.
Hòa giải viên thương mại được phép từ chối thực hiện hoạt động hòa giải thương mại không?
Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP có quy định như sau:
Quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên thương mại
1. Hòa giải viên thương mại có các quyền sau đây:
a) Chấp nhận hoặc từ chối thực hiện hoạt động hòa giải thương mại;
b) Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;
c) Được hưởng thù lao từ việc thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo thỏa thuận với các bên tranh chấp;
d) Các quyền khác theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.
...
Như vậy, hòa giải viên thương mại được phép từ chối thực hiện hoạt động hòa giải thương mại.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.