Thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia có được mang bảng động từ bất quy tắc vào phòng thi Môn Tiếng anh hay không?
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia có được mang bảng động từ bất quy tắc vào phòng thi Môn Tiếng anh hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT quy định như sau:
Trách nhiệm của thí sinh
...
4. Phải tuân thủ các quy định sau đây trong phòng thi:
a) Trình Thẻ dự thi cho CBCT; ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình;
b) Để phục vụ quá trình làm bài thi, thí sinh được mang vào phòng thi, gồm: Bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác);
Cấm mang vào phòng thi: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi;
...
Theo đó, thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia được mang vào phòng thi các vật dụng sau đây để phục vụ quá trình làm bài thi:
- Bút viết;
- Thước kẻ;
- Bút chì;
- Tẩy chì;
- Êke;
- Thước vẽ đồ thị;
- Dụng cụ vẽ hình;
- Máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ;
- Atlat Địa lí Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).
Cần lưu ý rằng: Thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia không được mang vào phòng thi: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì bảng động từ bất quy tắc có thể được xem là tài liệu thuộc không được mang vào phòng thi.
Do đó, thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia không được mang bảng động từ bất quy tắc vào phòng thi Môn Tiếng anh.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia có được mang bảng động từ bất quy tắc vào phòng thi Môn Tiếng anh hay không? (Hình từ Internet)
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia trao đổi bài làm với thi sinh khác trong phòng thi sẽ bị trừ điểm thi đúng không?
Theo quy định tại Điều 54 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT có quy định như sau:
Xử lý thí sinh vi phạm Quy chế thi
Mọi vi phạm Quy chế thi đều bị lập biên bản, xử lý kỷ luật và thông báo cho thí sinh.
1. Khiển trách:
a) Đối với những thí sinh phạm lỗi một lần; nhìn bài hoặc trao đổi bài với thí sinh khác;
b) Hình thức này do CBCT quyết định tại biên bản được lập.
2. Cảnh cáo:
a) Đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: Đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm Quy chế thi ở mức khiển trách; trao đổi bài làm hoặc giấy nháp với thí sinh khác; chép bài của thí sinh khác hoặc để thí sinh khác chép bài của mình;
b) Hình thức kỷ luật cảnh cáo do CBCT quyết định tại biên bản được lập, kèm tang vật (nếu có).
...
4. Trừ điểm bài thi
a) Thí sinh bị khiển trách trong khi thi bài thi nào sẽ bị trừ 25% tổng số điểm bài thi của bài thi đó;
b) Thí sinh bị cảnh cáo trong khi thi bài thi nào sẽ bị trừ 50% tổng số điểm bài thi của bài thi đó;
c) Những bài thi có đánh dấu bị phát hiện trong khi chấm sẽ bị trừ 50% điểm toàn bài;
d) Cho điểm 0 (không): Bài thi được chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; có hai bài làm trở lên đối với một bài thi; bài thi có chữ viết của hai người trở lên; những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định;
đ) Thí sinh bị đình chỉ thi bài thi nào sẽ bị điểm 0 (không) bài thi đó và không được tiếp tục dự thi các bài thi tiếp theo;
e) Việc trừ điểm bài thi nêu tại điểm c và d khoản này do Trưởng ban Chấm thi tự luận quyết định căn cứ báo cáo bằng văn bản của Trưởng môn chấm thi tự luận.
...
Theo quy định nêu trên, thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia trao đổi bài với thi sinh khác có thể bị cán bộ coi thi xử lý bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo.
Thí sinh bị xử lý khiển trách hoặc cảnh cáo vì hành vi trao đổi bài với thí sinh khác trong phòng thi có thể bị trừ điểm như sau:
- Thí sinh bị khiển trách trong khi thi bài thi nào sẽ bị trừ 25% tổng số điểm bài thi của bài thi đó
- Thí sinh bị cảnh cáo trong khi thi bài thi nào sẽ bị trừ 50% tổng số điểm bài thi của bài thi đó.
Lưu ý: Đối với các thí sinh đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo thì sẽ bị đình chỉ thi.
Khi đó, thí sinh bị đình chỉ thi bài thi nào sẽ bị điểm 0 (không) bài thi đó và không được tiếp tục dự thi các bài thi tiếp theo.
Điều kiện để thí sinh bảo lưu điểm thi là gì?
Thí sinh sẽ được bảo lưu điểm thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT trong kỳ thi năm liền kề tiếp theo trong trường hợp đã dự thi đủ các bài thi/môn thi quy định nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật hủy kết quả thi.
Những bài thi/môn thi được bảo lưu căn cứ tại khoản 1 Điều 38 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT bao gồm:
- Bài thi độc lập đạt từ 5,0 (năm) điểm trở lên;
- Bài thi tổ hợp đạt từ 5,0 (năm) điểm trở lên và các môn thi thành phần của bài thi này đều đạt trên 1,0 (một) điểm;
- Môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đạt từ 5,0 (năm) điểm trở lên.
Trong trường hợp thí sinh không sử dụng điểm bảo lưu thì phải thi tất cả các bài thi/môn thi đã đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia như thí sinh không có điểm bảo lưu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.