Thành phố Hồ Chí Minh được vay vốn đầu tư phát triển trong nước thông qua hình thức như thế nào?
Hạn mức bội chi ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh do ai quyết định hàng năm?
Hạn mức bội chi ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh do ai quyết định hàng năm, thì theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 48/2017/NĐ-CP như sau:
Bội chi ngân sách
1. Ngân sách cấp thành phố được bội chi; bội chi ngân sách cấp thành phố chỉ được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật ngân sách nhà nước.
2. Hạn mức bội chi ngân sách Thành phố do Quốc hội quyết định hàng năm. Số bội chi cụ thể của ngân sách thành phố hàng năm do Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định, nhưng không vượt quá hạn mức bội chi do Quốc hội quyết định hằng năm.
3. Bội chi ngân sách thành phố được bù đắp bằng các nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật. Thành phố không được vay trực tiếp ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách.
4. Mức dư nợ vay (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Thu ngân sách địa phương được xác định trên cơ sở dự toán ngân sách thành phố được Quốc hội quyết định của năm dự toán. Trường hợp cần thiết vay để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mà mức dư nợ vay của ngân sách thành phố vượt quá quy định tại khoản này, thì Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định.
Như vậy, theo quy định trên thì hạn mức bội chi ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh do Quốc hội quyết định hàng năm.
Thành phố Hồ Chí Minh được vay vốn đầu tư phát triển trong nước thông qua hình thức như thế nào? (Hình từ Internet)
Quỹ dự trữ tài chính của Thành phố Hồ Chí Minh được hình thành từ các nguồn nào?
Quỹ dự trữ tài chính của Thành phố Hồ Chí Minh được hình thành từ các nguồn được quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 48/2017/NĐ-CP như sau:
Về quỹ dự trữ tài chính
1. Quỹ dự trữ tài chính của Thành phố là quỹ tài chính nhà nước được thành lập theo quy định tại Điều 11 Luật ngân sách nhà nước.
2. Quỹ dự trữ tài chính được hình thành từ các nguồn:
a) Bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm;
b) Kết dư ngân sách theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật ngân sách nhà nước;
c) Tăng thu ngân sách theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật ngân sách nhà nước;
d) Lãi tiền gửi quỹ dự trữ tài chính;
đ) Các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Mức bố trí quy định tại điểm a, b và điểm c khoản này do Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định phù hợp với nhu cầu của dự trữ tài chính và khả năng cân đối thực tế của ngân sách thành phố.
3. Ủy ban nhân dân Thành phố được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng.
Như vậy, theo quy định trên thì quỹ dự trữ tài chính của Thành phố Hồ Chí Minh được hình thành từ các nguồn sau:
- Bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm;
- Kết dư ngân sách theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Ngân sách nhà nước 2015;
- Tăng thu ngân sách theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước 2015;
- Lãi tiền gửi quỹ dự trữ tài chính;
- Các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Thành phố Hồ Chí Minh được vay vốn đầu tư phát triển trong nước thông qua hình thức nào?
Thành phố Hồ Chí Minh được vay vốn đầu tư phát triển trong nước thông qua hình thức theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 48/2017/NĐ-CP có quy định như sau:
Nguyên tắc vay vốn đầu tư phát triển
1. Thành phố Hồ Chí Minh được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật; Thành phố phải bố trí ngân sách địa phương chi trả gốc, lãi và các chi phí liên quan.
2. Thành phố Hồ Chí Minh được vay lại vốn vay ngoài nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng phương án, lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo cơ chế Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại để thực hiện các chương trình, dự án theo đề nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố. Thành phố có trách nhiệm bố trí ngân sách thành phố để hoàn trả gốc, lãi theo quy định của pháp luật.
3. Khi có nhu cầu vay vốn đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng kế hoạch vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương cùng với lập dự toán ngân sách hằng năm, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
4. Vốn vay đầu tư cho các chương trình, dự án phải bảo đảm: Chương trình, dự án sử dụng vốn vay đầu tư phải có hiệu quả kinh tế - xã hội; chương trình, dự án đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm đã được Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định; công trình, dự án đã có quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền; bố trí ngân sách địa phương để trả hết nợ (gốc, lãi và phí) khi đến hạn.
Như vậy, theo quy định trên thì thành phố Hồ Chí Minh được vay vốn đầu tư phát triển trong nước thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật; Thành phố phải bố trí ngân sách địa phương chi trả gốc, lãi và các chi phí liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.