Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập dựa trên cơ sở nào? Phạm vi quyền đối với tên thương mại?
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập dựa trên cơ sở nào?
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 65/2023/NĐ-CP như sau:
Căn cứ, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp
...
2. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi nhãn hiệu đó theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu đó phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 91 của Nghị định này.
3. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực (lãnh thổ) và lĩnh vực kinh doanh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với tên thương mại, chủ thể có tên thương mại phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 91 của Nghị định này.
4. Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở đầu tư tài chính, trí tuệ hay bất kỳ cách thức hợp pháp nào để tìm ra, tạo ra hoặc đạt được thông tin và bảo mật thông tin tạo thành bí mật kinh doanh đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với bí mật kinh doanh, chủ thể có bí mật kinh doanh phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 91 của Nghị định này.
...
Như vậy, theo quy định, quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực (lãnh thổ) và lĩnh vực kinh doanh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký.
Lưu ý: Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với tên thương mại, chủ thể có tên thương mại phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 91 Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập dựa trên cơ sở nào? (Hình từ Internet)
Phạm vi quyền đối với tên thương mại được xác định theo phạm vi nào?
Phạm vi quyền đối với tên thương mại được quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định 65/2023/NĐ-CP như sau:
Phạm vi quyền sở hữu công nghiệp
1. Phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác định theo phạm vi bảo hộ được ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, Đăng bạ quốc tế về nhãn hiệu và Đăng bạ quốc tế về kiểu dáng công nghiệp hoặc trong văn bằng bảo hộ, giấy xác nhận đăng ký quốc tế nhãn hiệu, quyết định chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế.
2. Phạm vi quyền đối với tên thương mại được xác định theo phạm vi bảo hộ tên thương mại, gồm tên thương mại, lĩnh vực kinh doanh và lãnh thổ kinh doanh trong đó tên thương mại được chủ thể mang tên thương mại sử dụng một cách hợp pháp. Việc đăng ký tên gọi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thủ tục kinh doanh không được coi là sử dụng tên gọi đó mà chỉ là một điều kiện để việc sử dụng tên gọi đó được coi là hợp pháp.
3. Phạm vi quyền đối với bí mật kinh doanh được xác định theo phạm vi bảo hộ bí mật kinh doanh, gồm tập hợp các thông tin tạo thành bí mật kinh doanh, được sắp xếp theo một trật tự chính xác và đầy đủ đến mức có thể khai thác được.
4. Các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp được hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ theo phạm vi bảo hộ với các điều kiện quy định tại các Điều 132, 133, 133a, 134, 135, 136, 136a, 137 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Như vậy, theo quy định, phạm vi quyền đối với tên thương mại được xác định theo phạm vi bảo hộ tên thương mại, gồm:
- Tên thương mại;
- Lĩnh vực kinh doanh;
- Lãnh thổ kinh doanh.
Trong đó tên thương mại được chủ thể mang tên thương mại sử dụng một cách hợp pháp.
Lưu ý: Việc đăng ký tên gọi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thủ tục kinh doanh không được coi là sử dụng tên gọi đó mà chỉ là một điều kiện để việc sử dụng tên gọi đó được coi là hợp pháp.
Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng khi trong trường hợp nào?
Việc chuyển nhượng quyền đối với tên thương mại được quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được bổ sung bởi khoản 55 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) như sau:
Các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
1. Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
2. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng.
3. Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.
4. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
5. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
...
Như vậy, theo quy định, quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.