Quỹ đầu tư phát triển địa phương có thể thực hiện hoạt động cho vay không? Nếu có, thu nhập từ hoạt động này được ghi nhận như thế nào?
- Quỹ đầu tư phát triển địa phương có thể thực hiện hoạt động cho vay không?
- Doanh thu từ hoạt động cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương được ghi nhận dựa trên nguyên tắc nào?
- Việc phân loại nợ và xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương được quy định như thế nào?
Quỹ đầu tư phát triển địa phương có thể thực hiện hoạt động cho vay không?
Quỹ đầu tư phát triển địa phương có thể thực hiện hoạt động cho vay không?
Căn cứ theo các quy định tại Nghị định 147/2020/NĐ-CP về hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương như sau:
Quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 147/2020/NĐ-CP về địa vị pháp lý của Quỹ:
"Điều 3. Địa vị pháp lý và tư cách pháp nhân của Quỹ đầu tư phát triển địa phương
1. Quỹ đầu tư phát triển địa phương là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cho vay và đầu tư tại địa phương theo quy định tại Nghị định này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Quỹ."
Quy định tại điểm c khoản 1, điểm b, điểm d khoản 2 Điều 4 Nghị định 147/2020/NĐ-CP về nguyên tắc và phạm vi hoạt động của Quỹ:
"Điều 4. Nguyên tắc và phạm vi hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương
1. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương:
..
c) Thực hiện cho vay, đầu tư đúng đối tượng và điều kiện theo quy định tại Nghị định này.
2. Phạm vi hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương:
...
b) Cho vay các dự án thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ theo quy định tại Nghị định này.
...
d) Ủy thác cho vay, đầu tư; nhận ủy thác quản lý các quỹ tài chính nhà nước tại địa phương, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật và Nghị định này."
Thông qua các quy định nêu trên, có thể thấy cho vay là một trong những hoạt động nghiệp vụ của Quỹ đầu tư phát triển địa phương. Quỹ được phép thực hiện hoạt động cho vay tại địa phương đối với các dự án thuộc danh mục lĩnh vực cho vay của Quỹ theo quy định tại Nghị định này
Doanh thu từ hoạt động cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương được ghi nhận dựa trên nguyên tắc nào?
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 86/2021/TT-BTC, sau khi thực hiện hoạt động cho vay, Quỹ đầu tư phát triển địa phương có thể thu lãi cho vay vốn, bao gồm cả vốn cho vay theo hình thức hợp vốn cho vay hoặc ủy thác cho vay. Đây được xem là một trong những nguồn thu từ hoạt động nghiệp vụ của Quỹ.
Nguyên tắc ghi nhận doanh thu đối với khoản thu nói trên được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 Thông tư 86/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:
"Điều 6. Nguyên tắc ghi nhận doanh thu
1. Các khoản thu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương phải được xác định phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan, có hóa đơn hoặc chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu.
2. Đối với thu lãi từ hoạt động cho vay, Quỹ đầu tư phát triển địa phương có trách nhiệm đánh giá khả năng thu hồi nợ và thực hiện phân loại nợ theo đúng quy định tại Nghị định số 147/2020/NĐ-CP để làm căn cứ hạch toán lãi phải thu và thực hiện hạch toán như sau:
a) Quỹ hạch toán số lãi phải thu từ hoạt động cho vay phát sinh trong kỳ vào doanh thu lãi cho vay đối với các khoản nợ được phân loại là nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích lập dự phòng rủi ro cụ thể theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 147/2020/NĐ-CP.
b) Đối với số lãi phải thu của các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn do thực hiện chính sách của Nhà nước và số lãi phải thu phát sinh trong kỳ của các khoản nợ còn lại thì không phải hạch toán thu nhập; Quỹ thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; khi thu được thì hạch toán vào thu nhập."
Như vậy, việc ghi nhận doanh thu đối với khoản lãi từ hoạt động cho vay vốn được ghi nhận theo nguyên tắc cụ thể nêu trên.
Việc phân loại nợ và xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương được quy định như thế nào?
Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện phân loại nợ, trích lập quỹ dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay dựa trên quy định tại ĐIều 30 Nghị định 147/2020/NĐ-CP như sau:
(1) Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện phân loại nợ, trích lập quỹ dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay theo quy định của pháp luật đối với ngân hàng thương mại.
(2) Các trường hợp xem xét xử lý rủi ro:
a) Chủ đầu tư bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, rủi ro chính trị, chiến tranh gây ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến chủ đầu tư không trả được nợ (lãi, gốc) đúng hạn theo hợp đồng cho vay đã ký.
b) Chủ đầu tư bị phá sản theo quy định của pháp luật hiện hành.
c) Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư, dẫn đến chủ đầu tư không trả được nợ (lãi, gốc) đúng hạn theo hợp đồng cho vay đã ký.
d) Chủ đầu tư gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến chủ đầu tư không trả được nợ (lãi, gốc) đúng hạn theo hợp đồng cho vay đã ký.
đ) Chủ đầu tư có khoản nợ xấu theo kết quả phân loại nợ của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.
(3) Quỹ đầu tư phát triển địa phương thành lập Hội đồng để xử lý rủi ro. Thành phần Hội đồng xử lý rủi ro bao gồm 01 thành viên Hội đồng quản lý Quỹ làm Chủ tịch, 01 thành viên là Giám đốc Quỹ, 01 thành viên là Trưởng bộ phận có chức năng quản lý rủi ro và tối thiểu 02 thành viên khác do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định.
(4) Trường hợp sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, tối thiểu sau 05 năm, kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và đã thực hiện tất cả các biện pháp xử lý rủi ro để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, Quỹ đầu tư phát triển địa phương được xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng nếu có đủ hồ sơ chứng minh đã thực hiện mọi biện pháp thu hồi nợ nhưng không thu được nợ và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý.
(5) Quỹ đầu tư phát triển địa phương xây dựng quy chế xử lý rủi ro và trình Hội đồng quản lý Quỹ ban hành sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quy chế xử lý rủi ro bao gồm các nội dung cơ bản sau: nguyên tắc xử lý rủi ro; các trường hợp, biện pháp xử lý rủi ro; hồ sơ, trình tự thủ tục sử dụng dự phòng rủi ro; quy trình xử lý rủi ro và thẩm quyền quyết định xử lý rủi ro.
Như vậy, Quỹ đầu tư địa phương được phép thực hiện hoạt động cho vay đối với các dự án thuộc danh mục cho vay của Quỹ. Đây là một trong những hoạt động nghiệp vụ của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, nguyên tắc ghi nhận doanh thu có được từ hoạt động này được quy định cụ thể tại Thông tư 86/2021/TT-BTC.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.