Quán ăn đã có thông báo tự bảo quản phương tiện cá nhân nhưng xảy ra mất xe thì quán có phải bồi thường hay không? Quán ăn có trách nhiệm phải trông giữ xe cho khách hay không?
Quán ăn đã có thông báo tự bảo quản phương tiện cá nhân nhưng xảy ra mất xe thì quán có phải bồi thường hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Chiếu theo quy định trên thì trường hợp cụ thể là quán ăn đã có thông báo về việc khách hàng tự bảo quản phương tiện, một số tài sản khác thì quán sẽ không có trách nhiệm trông giữ phương tiện cho khách hàng vì quán ăn đã không có nghĩa vụ với khách hàng và đã thông báo rõ.
Quán ăn đã có thông báo tự bảo quản phương tiện cá nhân nhưng xảy ra mất xe thì quán có phải bồi thường hay không? Quán ăn có trách nhiệm phải trông giữ xe cho khách hay không? (Hình từ Internet)
Quán ăn có trách nhiệm phải trông giữ xe cho khách hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Hợp đồng gửi giữ tài sản
Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Bên cạnh đó tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rằng:
Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Từ đó có thể thấy rằng trong trường hợp nếu khách hàng đến quán mà có sử dụng vé gửi xe, bảo vệ trông xe, nhân viên hoặc quản lý quán trông xe thì có thể coi đây là một hình thức giao kết hợp đồng bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể.
Như vậy, quán ăn nếu có dịch vụ giữ xe có vé xe hoặc các hình thức cam kết khác thì khi xảy ra mất xe thì quán ăn phải chịu trách nhiệm.
* Lưu ý: Trường hợp quán đã để bảng "khách tự bảo quản tài sản, xe máy của mình" thì trường hợp này nếu mất xe thì quán không phải bồi thường nếu mất xe.
Trên thực tế hiện nay không phải quán ăn hay quán nước nào cũng sẽ có người trông coi xe cho khách vì không có quy định nào bắt buộc về việc này.
Trong trường hợp quán cà phê đã có thông báo cụ thể về việc khách tự bảo quản xe, tài sản khác thì sẽ không có trách nhiệm phải trông giữ xe cho khách.
Tuy nhiên đây là một vụ việc dân sự cho nên theo nguyên tắc thì luôn ưu tiên sự thỏa thuận giữa hai bên nếu có thể, nếu không thể thỏa thuận thì mới cần pháp luật can thiệp giải quyết.
Thời hiệu khởi kiện về bồi thường thiệt hại là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Bên cạnh đó điều này còn được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP như sau:
Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 588 của Bộ luật Dân sự
1. Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2017 (ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực) và đương sự khởi kiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đều là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
2. Thời điểm người có quyền yêu cầu biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là khi họ nhận ra được hoặc có thể khẳng định được về việc quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Ví dụ: Ngày 02 tháng 7 năm 2022, A phát hiện cá trong ao nhà mình bị chết hàng loạt. A nghi ngờ nguyên nhân là do nguồn nước thải từ nhà B nên A yêu cầu cơ quan giám định về môi trường tiến hành giám định nguyên nhân. Ngày 15 tháng 8 năm 2022, A nhận được kết quả giám định về nguyên nhân gây ra thiệt hại chính là do nguồn nước thải từ nhà B. Trường hợp này, thời điểm A biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm là ngày 15 tháng 8 năm 2022.
3. Trường hợp người có quyền yêu cầu phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là trong điều kiện, hoàn cảnh bình thường, nếu có thiệt hại xảy ra thì người đó biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc trường hợp pháp luật có quy định phải biết.
Ví dụ 1: Ngày 20 tháng 6 năm 2022, A gây thương tích cho B và cùng ngày B phải vào nhập viện điều trị thương tích. Trường hợp này, thời điểm B phải biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm là ngày 20 tháng 6 năm 2022.
Ví dụ 2: A giao cho B trông giữ chiếc xe ô tô của A theo hợp đồng gửi giữ tài sản. Trong thời hạn của hợp đồng, xe ô tô bị C phá hủy. Tại thời điểm xe ô tô bị thiệt hại, B không có mặt tại nơi xảy ra thiệt hại nhưng B vẫn phải biết về việc thiệt hại xảy ra. Thời điểm B phải biết là thời điểm C gây thiệt hại.
Như vậy, chiếu theo quy định trên thì thời hiệu khởi kiện về bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.