Phải nộp phí duy trì hiệu lực Bằng độc quyền giải pháp hữu ích khi đề nghị cấp bằng hay sau khi bằng bảo hộ hết hạn hiệu lực?
Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có phải là văn bằng bảo hộ đối với sáng chế hay không?
Tại Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có quy định về văn bằng bảo hộ như sau:
Văn bằng bảo hộ
...
3. Văn bằng bảo hộ gồm Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Theo quy định vừa nêu thì Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là một dạng văn bằng bảo hộ đối với sáng chế.
Phải nộp phí duy trì hiệu lực Bằng độc quyền giải pháp hữu ích khi đề nghị cấp bằng hay sau khi bằng bảo hộ hết hạn hiệu lực? (Hình từ Internet)
Phải nộp phí duy trì hiệu lực Bằng độc quyền giải pháp hữu ích khi đề nghị cấp bằng hay sau khi bằng bảo hộ hết hạn hiệu lực?
Căn cứ Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về hiệu lực của văn bằng bảo hộ như sau:
Hiệu lực của văn bằng bảo hộ
1. Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
2. Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.
3. Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.
4. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.
...
Ngoài ra, tại Điều 94 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi điểm d khoản 82 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, điểm e khoản 82 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) cũng có quy định như sau:
Duy trì, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ
1. Để duy trì hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp phí, lệ phí để duy trì hiệu lực.
...
Từ những quy định vừa nêu thì có thể thấy Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.
Bằng độc quyền giải pháp hữu ích sẽ không thể gia hạn được nên phí duy trì đối với bằng bảo hộ này sẽ được đóng để duy trì hiệu lực của bằng trong 10 năm.
Tại khoản 8 Điều 16 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN có quy định về việc nộp phí duy trì bằng bảo hộ như sau:
Thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế
...
8. Trước ngày kết thúc thời hạn thẩm định nội dung đơn quy định tại khoản 4 Điều 12 của Thông tư này, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các công việc sau đây:
...
d) Nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ nêu trong đơn đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc người nộp đơn đã sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến giải trình xác đáng kết quả thẩm định nội dung và/hoặc sửa đổi đơn đạt yêu cầu theo quy định tại các điểm a, c khoản này, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu dự định cấp văn bằng bảo hộ đối với toàn bộ hoặc phần đáp ứng điều kiện bảo hộ và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, phí công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ quyết định cấp văn bằng bảo hộ, lệ phí duy trì hiệu lực và phí sử dụng văn bằng bảo hộ năm thứ nhất đối với sáng chế.
...
h) Đối với các trường hợp nêu tại điểm d và điểm e khoản này, nếu người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các loại phí, lệ phí theo quy định thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn tương ứng, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Nếu trong thời hạn quy định mà người nộp đơn đã nộp đủ lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, phí công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ quyết định cấp văn bằng bảo hộ nhưng không nộp lệ phí duy trì hiệu lực và phí sử dụng văn bằng bảo hộ năm thứ nhất của Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì văn bằng đó vẫn được cấp nhưng bị chấm dứt hiệu lực ngay sau khi cấp.
...
Theo quy định trên thì nếu hồ sơ đề nghị cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích của cá nhận hợp lệ thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo kết quả thẩm định nội dung
Trong quyết định sẽ nêu dự định cấp văn bằng bảo hộ đối với toàn bộ hoặc phần đáp ứng điều kiện bảo hộ và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn các phí và lệ phsi thẻ quy định (bao gồm phí duy trì hiệu lực).
Nếu sau thời hạn 03 tháng đã ấn định mà người nộp đơn chưa nộp lệ phí duy trì hiệu lực và phí sử dụng văn bằng bảo hộ năm thứ nhất của Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì văn bằng đó vẫn được cấp nhưng bị chấm dứt hiệu lực ngay sau khi cấp.
Như vậy có thể kết luật rằng phí duy trì hiệu lực đối với Bằng độc quyền giải pháp hữu ích phải được nộp khi người sáng chế nộp hồ sơ đề nghị cấp bằng bảo hộ (nộp sau khi có thông báo từ Cục Sở hữu trí tuệ).
Bằng độc quyền giải pháp hữu ích bị chấm dứt hiệu lực trong những trường hợp nào?
Các trường hợp chấm dứt hiệu lực của Bằng độc quyền giải pháp hữu ích bao gồm các trường hợp được quy đinh tại khoản 1 Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022), cụ thể:
(1) Chủ văn bằng bảo hộ không nộp phí, lệ phí để duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;
(2) Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;
(3) Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;
(4) Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;
(5) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;
(6) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
(7) Các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó;
(8) Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó;
(9) Nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó;
(10) Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài không còn được bảo hộ tại nước xuất xứ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.