Nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản ở nơi thường trú hay tạm trú? Mức hưởng cho 06 tháng nghỉ chế độ thai sản được tính như thế nào?
Nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản ở nơi tạm trú hay thường trú?
Căn cứ khoản 2 Điều 14 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH như sau:
Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ thai sản
...
2. Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình số bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Như vậy, bạn nghỉ việc trước thời điểm sinh con nên bạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp quận/huyện nơi gần bạn nhất (thuận tiện nhất).
Trường hợp của bạn, bạn có sổ hộ khẩu ở Long Khánh, đang đi làm và có sổ tạm trú tại Bình Dương. Lúc này, bạn có thể lựa chọn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản tại Bình Dương nơi bạn đang đi làm để thuận tiện cho việc di chuyển.
Điều kiện hưởng chế độ thai sản khi nghỉ việc trước thời điểm sinh con được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
...
b) Lao động nữ sinh con;
...
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Như vậy, bạn muốn được hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì bạn cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Thời gian 12 tháng trước khi sinh con được quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:
...
b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Theo đó, bạn chấm dứt HĐLĐ ngày 02/06/2020, tức bạn đóng bảo hiểm xã hội đến tháng 5/2020 thì chấm dứt đóng bảo hiểm xã hội.
Bạn dự sinh 22/12/2020 nên 12 tháng trước khi sinh của bạn tính từ tháng 12/2019 đến tháng 11/2020. Trong thời gian này bạn đóng được đủ 06 tháng bảo hiểm xã hội, nên bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Chế độ thai sản (Hình từ Internet)
Mức hưởng cho 06 tháng nghỉ chế độ thai sản được tính như thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Mức hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
Như vậy, mức hưởng chế độ thai sản của bạn được tính bằng 100% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản x số tháng hưởng thai sản.
Cụ thể, trong trường hợp của bạn, mức hưởng chế độ thai sản là: 5.035.000 x 6 = 30.210.000 đồng. Ngoài ra, bạn còn được hưởng thêm tiền trợ cấp 1 lần khi sinh con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng mà bạn sinh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.