Những việc nào công chức Quản lý thị trường không được làm? Công chức Quản lý thị trường được hưởng những chế độ phụ cấp nào?
Những việc nào công chức Quản lý thị trường không được làm?
Công chức Quản lý thị trường là người được tuyển dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ nhiệm vào ngạch công chức Quản lý thị trường (theo khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016).
Căn cứ Điều 11 Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016 quy định thì công chức Quản lý thị trường không được làm những việc sau đây:
(1) Thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, biện pháp nghiệp vụ không có căn cứ, không đúng chức năng, thẩm quyền, phạm vi nhiệm vụ, địa bàn hoạt động được giao, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
(2) Cản trở lưu thông hàng hóa, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên thị trường.
Đe dọa, mua chuộc, lừa dối đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành hoặc xử lý vi phạm hành chính.
(3) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm.
Dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thái độ, cử chỉ, phát ngôn không đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ.
(4) Tiết lộ trái phép thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc liên quan đến hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường.
(5) Những việc công chức không được làm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Những việc nào công chức Quản lý thị trường không được làm? (Hình từ Internet)
Công chức Quản lý thị trường được hưởng những chế độ phụ cấp nào?
Chế độ phụ cấp đối với công chức Quản lý thị trường được quy định tại khoản 1 Điều 40 Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016 như sau:
Chế độ, chính sách đối với công chức Quản lý thị trường
1. Công chức Quản lý thị trường được hưởng lương, phụ cấp theo ngạch, bậc, chức vụ công chức chuyên ngành Quản lý thị trường, phụ cấp thâm niên và các chế độ phụ cấp khác phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường theo quy định của Chính phủ.
2. Công chức Quản lý thị trường có thành tích trong khi thực hiện hoạt động công vụ được giao được xét khen thưởng, trường hợp có vi phạm trong hoạt động công vụ thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Công chức Quản lý thị trường bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Như vậy, theo quy định, công chức Quản lý thị trường được hưởng lương và các loại phụ cấp sau đây:
- Phụ cấp theo ngạch, bậc, chức vụ công chức chuyên ngành Quản lý thị trường;
- Phụ cấp thâm niên;
- Các chế độ phụ cấp khác phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường theo quy định của Chính phủ.
Tiêu chuẩn về chức danh và đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm đối với công chức Quản lý thị trường do cơ quan nào quy định?
Căn cứ khoản 2 Điều 41 Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016 quy định như sau:
Trách nhiệm của Bộ Công thương
1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Pháp lệnh này.
2. Bộ trưởng Bộ Công thương quy định chi tiết về tiêu chuẩn chức danh và đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm đối với công chức Quản lý thị trường; nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường.
3. Chủ trì tổng hợp báo cáo định kỳ hoặc theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực hiện pháp luật về quản lý thị trường.
4. Chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Đồng thời, căn cứ khoản 3 Điều 4 Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016 quy định:
Quản lý nhà nước đối với lực lượng Quản lý thị trường
...
2. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với lực lượng Quản lý thị trường.
3. Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với lực lượng Quản lý thị trường; chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường.
4. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công thương thực hiện quản lý nhà nước đối với lực lượng Quản lý thị trường.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật liên quan đến quản lý thị trường tại địa phương.
Theo đó, Bộ Công thương sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với lực lượng Quản lý thị trường; chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ có trách nhiệm quy định chi tiết về tiêu chuẩn chức danh và đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm đối với công chức Quản lý thị trường.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.