Nguyên tắc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp là gì? Có những hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp nào?
Nguyên tắc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp là gì?
Theo quy định tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 thì việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc sau:
(1) Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
(2) Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành quốc gia.
(3) Đầu tư vốn nhà nước để hình thành và duy trì doanh nghiệp ở những khâu, công đoạn then chốt trong một số ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia hoặc thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp theo quy định tại Điều 10 và Điều 16 của Luật này.
(4) Cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp.
(5) Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước; bảo đảm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình, đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
(6) Cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; phòng, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp.
(7) Công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
(8) Phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Vốn nhà nước (Hình từ Internet)
Có những hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp nào?
Theo quy định tại Điều 6 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014, việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp được thực hiện theo những hình thức sau:
(1) Đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
(2) Đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đang hoạt động.
(3) Đầu tư bổ sung vốn nhà nước để tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
(4) Đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp.
Ai có quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp?
Người có quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp được quy định tại Điều 11 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 như sau:
Thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
a) Doanh nghiệp có tài sản hoạt động sản xuất, kinh, doanh được hình thành từ việc thực hiện dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;
b) Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước và doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
2. Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp có tiêu chí tương đương với dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Như vậy, người có quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp là Thủ tướng Chính phủ và cơ quan đại diện chủ sở hữu, cụ thể:
(1) Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp có tài sản hoạt động sản xuất, kinh, doanh được hình thành từ việc thực hiện dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;
- Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước và doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
(2) Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp không thuộc các trường hợp quy định tại (1) nêu trên.
Lưu ý: Trường hợp đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp có tiêu chí tương đương với dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.