Người quản lý doanh nghiệp có phải đóng bảo hiểm y tế không? Nếu có thì hàng tháng phải đóng bao nhiêu?
Người quản lý doanh nghiệp có phải đóng bảo hiểm y tế không?
Theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Việc tham gia bảo hiểm y tế đối với người quản lý doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau:
Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.
2. Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định, người quản lý doanh nghiệp thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm y tế.
Cụ thể việc tham gia bảo hiểm y tế đối với người quản lý doanh nghiệp là do chính người đó và người sử dụng lao động đóng.
Người quản lý doanh nghiệp có phải đóng bảo hiểm y tế không? (Hình từ Internet)
Mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng đối với người quản lý doanh nghiệp là bao nhiêu?
Mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng đối với người quản lý doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau:
Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế
1. Mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của các đối tượng được quy định như sau:
a) Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
- Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế;
- Người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh;
b) Bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này;
c) Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản đối với đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này;
d) Bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định này;
đ) Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với các đối tượng khác;
...
Như vậy, theo quy định, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng đối với người quản lý doanh nghiệp là 4,5% tiền lương tháng.
Trường hợp người quản lý doanh nghiệp có thêm hợp đồng lao động thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng nào?
Trường hợp người quản lý doanh nghiệp có thêm hợp đồng lao động được quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau:
Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế
...
2. Đối với đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng thì không áp dụng giảm trừ mức đóng theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
4. Trường hợp đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 6 Nghị định này đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại các Điều 1, 2, 3 và 4 Nghị định này thì đóng bảo hiểm y tế theo thứ tự như sau: Do người lao động và người sử dụng lao động đóng; do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng; do ngân sách nhà nước đóng; do người sử dụng lao động đóng.
5. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm y tế, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước và đóng góp của các đối tượng có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế.
Như vậy, theo quy định, trường hợp người quản lý doanh nghiệp có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.