Người kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án có đình chỉ xét xử yêu cầu kháng cáo của người đó không?
Phạm vi xét xử phúc thẩm được quy định như thế nào?
Phạm vi xét xử phúc thẩm được quy định tại Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cụ thể như sau:
“Điều 293. Phạm vi xét xử phúc thẩm
Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị.”
Như vậy, tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị.
Những người tham gia phiên tòa phúc thẩm bao gồm những ai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 294 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, những người tham gia phiên tòa phúc thẩm bao gồm:
- Người kháng cáo, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải được triệu tập tham gia phiên tòa. Tòa án có thể triệu tập những người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa nếu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị.
- Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên tòa phúc thẩm.
Người kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt thì vụ án được giải quyết ra sao?
Người kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án có đình chỉ xét xử yêu cầu kháng cáo của người đó không?
Theo khoản 2, khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quy định về việc hoãn phiên tòa phúc thẩm như sau:
- Người kháng cáo, người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.
- Người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì bị coi như từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó, trừ trường hợp người đó đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.
Trường hợp người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Trường hợp có nhiều người kháng cáo, trong đó có người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt nhưng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì coi như người đó từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Trong phần quyết định của bản án, Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó.
Người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị và những người tham gia tố tụng khác đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 312 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm như sau:
"Điều 312. Đình chỉ xét xử phúc thẩm
Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
[...]
2. Người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà không có mặt theo quy định tại khoản 3 Điều 296 của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án có người khác kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị."
Như vậy, người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì bị coi như từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó, trừ trường hợp người đó đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ. Trường hợp người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Lưu ý: Trường hợp có nhiều người kháng cáo, trong đó có người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt nhưng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì coi như người đó từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án vẫn đưa vụ án ra xét xử. Trong phần quyết định của bản án, Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.