Người điều hành có cần phải cập nhật báo cáo trữ lượng dầu khí để trình Bộ Công thương không? Thời gian cập nhật báo cáo trữ lượng dầu khí là bao lâu?
Người điều hành có cần phải cập nhật báo cáo trữ lượng dầu khí để trình Bộ Công thương không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 24/2020/TT-BCT, có quy định về yêu cầu của việc lập, cập nhật Báo cáo như sau:
Yêu cầu của việc lập, cập nhật Báo cáo
1. Đối với nhóm phát triển, Người điều hành lập, cập nhật Báo cáo để trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, trình Bộ Công Thương và Hội đồng thẩm định thực hiện thẩm định Báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Nội dung phê duyệt gồm lượng dầu khí tại chỗ ban đầu mức 2P (gồm P1 và P2) xác suất 50% và ghi nhận trữ lượng dầu khí tương ứng làm cơ sở cho việc xây dựng, cập nhật phương án phát triển khai thác mỏ.
2. Đối với nhóm chưa phát triển và tài nguyên dầu khí chưa phát hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, ghi nhận, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Công Thương để phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên và xây dựng chiến lược, kế hoạch tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng trong tương lai.
3. Chi tiết của việc phê duyệt, ghi nhận tài nguyên, trữ lượng dầu khí được quy định tại Phụ lục IB ban hành kèm theo Thông tư này.
Như vậy, theo quy định trên thì Người điều hành phải lập, cập nhật báo cáo trữ lượng dầu khí để trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, trình Bộ Công Thương và Hội đồng thẩm định thực hiện thẩm định Báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Trữ lượng dầu khí (Hình từ Internet)
Thời gian cập nhật báo cáo trữ lượng dầu khí là bao lâu?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 24/2020/TT-BCT, có quy định về đăng ký và cập nhật tài nguyên, trữ lượng dầu khí như sau:
Đăng ký và cập nhật tài nguyên, trữ lượng dầu khí
1. Đối với Báo cáo của các mỏ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tài nguyên, trữ lượng dầu khí và cập nhật đăng ký hàng năm.
2. Người điều hành có trách nhiệm cập nhật, chính xác hóa:
a) Tài nguyên, trữ lượng dầu khí trong quá trình thăm dò bổ sung, thẩm lượng, khai thác;
b) Trữ lượng dầu khí trong quá trình lập báo cáo kế hoạch đại cương phát triển mỏ (ODP), báo cáo kế hoạch phát triển mỏ (FDP) và báo cáo kế hoạch phát triển mỏ điều chỉnh.
3. Thời gian cập nhật Báo cáo là 3 (ba) năm tính từ khi có dòng dầu khí đầu tiên được khai thác thương mại và sau đó định kỳ là 5 (năm) năm. Trong trường hợp cần thiết, Người điều hành cập nhật và đệ trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
4. Trong Báo cáo cập nhật, nếu tống lượng dầu khí tại chỗ ban đầu mức 2P của mỏ thay đổi nhỏ hơn 15% (mười lăm phần trăm) so với phê duyệt gần nhất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ghi nhận, báo cáo Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ. Nếu tổng lượng dầu khí tại chỗ ban đầu mức 2P của mỏ thay đổi lớn hơn 15% (mười lăm phần trăm) so với phê duyệt gần nhất, Người điều hành phải đệ trình và xin phê duyệt lại Báo cáo theo Điều 10 Thông tư này.
5. Đối với tài nguyên dầu khí đã phát hiện thuộc nhóm chưa phát triển và tài nguyên dầu khí chưa phát hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm thống kê, cập nhật và ghi nhận nhằm mục đích phục vụ công tác quản lý và định hướng công tác tìm kiếm thăm dò trong tương lai.
Như vậy, theo quy định trên thì thời gian cập nhật báo cáo trữ lượng dầu khí 03 năm tính từ khi có dòng dầu khí đầu tiên được khai thác thương mại và sau đó định kỳ là 5 năm.
Trong trường hợp cần thiết, Người điều hành cập nhật và đệ trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Ranh giới phân cấp trữ lượng dầu khí được xác định đối với từng thân chứa dầu khí theo nguyên tắc nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 24/2020/TT-BCT, có quy định về ranh giới phân cấp tài nguyên, trữ lượng dầu khí như sau:
Ranh giới phân cấp tài nguyên, trữ lượng dầu khí
1. Ranh giới phân cấp tài nguyên, trữ lượng dầu khí được xác định đối với từng thân chứa dầu khí theo nguyên tắc ngoại suy phù hợp với điều kiện địa chất cụ thể theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Việc xác định ranh giới phân cấp và phân bố của các thân chứa dầu khí được xác định trên cơ sở các tài liệu và căn cứ cụ thể. Trường hợp áp dụng các phương pháp tương tự, Người điều hành phải có các số liệu có nguồn gốc và lý giải khả năng sử dụng các số liệu đó cho mỏ hoặc thân chứa cần tính toán để khẳng định sự đúng đắn của việc lựa chọn phương pháp và các thông số tính toán.
Như vậy, theo quy định trên thì ranh giới phân cấp trữ lượng dầu khí được xác định đối với từng thân chứa dầu khí theo nguyên tắc ngoại suy phù hợp với điều kiện địa chất cụ thể
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.