Người dân có được tận dụng 'vỉa hè ven hồ' để buôn bán không? Hành vi này có phải là lấn chiếm vỉa hè?
Người dân có được tận dụng "vỉa hè ven hồ" để buôn bán không? Hành vi này có phải là lấn chiếm vỉa hè?
Theo khoản 2 Mục 2 Phần I Thông tư 04/2008/TT-BXD có giải thích: Hè (hay vỉa hè, hè phố): là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.
Căn cứ khoản 1 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:
Sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố
1. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.
...
Đồng thời theo khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:
Các hoạt động khác trên đường bộ
...
2. Không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;
b) Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;
c) Thả rông súc vật trên đường bộ;
d) Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;
đ) Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;
e) Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;
g) Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;
h) Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;
i) Hành vi khác gây cản trở giao thông.
Như vậy, theo các quy định trên thì tận dụng vỉa hè ven hồ để buôn bán được xem là hành vi lấn chiếm vỉa hè và bị nghiêm cấm.
Lưu ý: Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác mục đích giao thông do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. (khoản 2 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008).
Người dân có được tận dụng "vỉa hè ven hồ" để buôn bán không? Hành vi này có phải là lấn chiếm vỉa hè? (hình từ internet)
Người dân lấn chiếm "vỉa hè ven hồ" để buôn bán bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này;
b) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.
…
5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 6, điểm b khoản 8, điểm a khoản 9 Điều này;
b) Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này;
...
6. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
e) Bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường đô thị, hè phố;
...
Như vậy đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè để bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác có thể phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức.
Đối với hành vi lấn chiếm hè phố để bán hàng hóa gây cản trở giao thông có thể phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức nếu lấn chiếm vỉa hè nếu bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng.
Có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khi lấn chiếm vỉa hè ven hồ để buôn bán?
Theo khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ
...
10. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
...
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều này buộc phải thu dọn vật tư, vật liệu, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
d) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 3; khoản 4; điểm b, điểm c, điểm d khoản 5; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, phương tiện, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị, biển hiệu, biển quảng cáo, các loại vật dụng khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
....
Như vậy, tùy vào từng trường hợp vi phạm mà đối tượng thực hiện hành vi lấn chiếm vỉa hè để buôn bán có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
Buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, phương tiện, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị, biển hiệu, biển quảng cáo, các loại vật dụng khác;
Đồng thời, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.