Ngoài Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón thì muốn phân bón được lưu hành tại Việt Nam thì phải làm thủ tục gì?

Công ty tôi đang xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hóa học dùng cho cây ăn quả, công suất 2000 tấn/năm. Cho hỏi ngoài việc xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón thì muốn phân bón của công ty tôi sản xuất được lưu hành tại Việt Nam thì phải làm thủ tục gì?

Phân bón hóa học muốn lưu hành tại Việt Nam thì phải làm thủ tục gì?

Theo Điều 36 Luật Trồng trọt 2018 quy định thì:

- Phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trừ phân bón hữu cơ được sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại, phân bón được nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này; phân bón được sản xuất để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

- Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có thời hạn là 05 năm và được gia hạn.

- Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực phân bón tại Việt Nam được đứng tên đăng ký công nhận lưu hành phân bón.

- Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón.

Do vậy, phân bón hóa học muốn lưu hành tại Việt Nam phải làm thủ tục xin cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trừ các loại phân bón được nhập khẩu như sau:

+ Phân bón để khảo nghiệm;

+ Phân bón dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí;

+ Phân bón sử dụng trong dự án của nước ngoài tại Việt Nam;

+ Phân bón làm quà tặng, làm hàng mẫu;

+ Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm;

+ Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học;

+ Phân bón làm nguyên liệu để sản xuất phân bón khác;

+ Phân bón tạm nhập, tái xuất hoặc phân bón quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam; phân bón gửi kho ngoại quan; phân bón nhập khẩu vào khu chế xuất.

Điều kiện cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam

Điều kiện cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam

Khoản 1 Điều 37 Luật trồng trọt 2018 quy định điều kiện cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam bao gồm:

- Đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón;

- Có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia, trừ loại phân bón quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này.

Trình tự thủ tục cấp quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam

Điều 5 Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định trình tự thủ tục cấp quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam như sau:

(1) Hồ sơ đề nghị cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam gồm:

- Đơn đề nghị cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

- Bản thông tin chung về phân bón có xác nhận của nhà sản xuất bao gồm: loại phân bón; tên phân bón; dạng phân bón; hướng dẫn sử dụng; phương thức sử dụng; thời hạn sử dụng; cảnh báo an toàn; chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng yếu tố hạn chế trong phân bón kèm theo phiếu kết quả thử nghiệm;

- Bản chính báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón (trừ các loại phân bón quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Trồng trọt);

- Giấy chứng nhận lưu hành tự do của nước xuất khẩu cấp (đối với phân bón nhập khẩu quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 39 Luật Trồng trọt).

(2) Trình tự và thẩm quyền cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam như sau:

Bước 1: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là cơ quan có thẩm quyền).

Bước 2: Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, nếu hồ sơ đáp ứng quy định thì ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam (sau đây viết tắt là Quyết định công nhận) theo Mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không ban hành Quyết định công nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

(3) Thời hạn của Quyết định công nhận là 05 năm. Trước khi hết thời gian lưu hành 03 tháng, tổ chức, cá nhân có nhu cầu gia hạn phải thực hiện gia hạn theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.

Sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam bị xử phạt như thế nào?

Điều 6 Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định:

"9. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị dưới 200.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 100.000.000 đồng trừ trường hợp sản xuất phân bón để nghiên cứu, khảo nghiệm; phân bón sản xuất trong khuôn khổ dự án sản xuất thử nghiệm, chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong thời gian thực hiện dự án, chương trình.
10. Đối với hành vi sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên trừ trường hợp sản xuất phân bón để nghiên cứu, khảo nghiệm; phân bón sản xuất trong khuôn khổ dự án sản xuất thử nghiệm, chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong thời gian thực hiện dự án, chương trình thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 của Luật xử lý vi phạm hành chính; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khỏi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
11. Hình thức xử phạt bổ sung
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, 6 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
d) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c, đ khoản 8 Điều này;
đ) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 9 Điều này;
e) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 10 Điều này;
g) Đình chỉ hoạt động sản xuất phân bón từ 03 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e, g khoản 8 Điều này;
h) Tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều này.
12. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc thu hồi phân bón để thử nghiệm lại đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 6 Điều này;
b) Buộc thu hồi để tiêu hủy phân bón đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 Điều này;
c) Buộc tiêu hủy hoặc tái chế hoặc chuyển sang làm nguyên liệu đối với phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 9, 10 Điều này;
d) Buộc nộp lại số lợi bất chính có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 9, 10 Điều này."

Theo đó, khoản 9 và 10 Điều 6 Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định hành vi sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam tùy theo giá trị hoặc thu lợi bất chính (trừ một số trường hợp luật định) mà mức xử phạt từ 80 đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là mức phạt đối với cá nhân còn đối với tổ chức mức phạt sẽ nhân đôi (khoản 2 Điều 5 Nghị định 55/2019/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, khoản 11 và 12 Điều 6 Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón từ 09 đến 24 tháng và buộc tiêu hủy hoặc tái chế hoặc chuyển sang làm nguyên liệu đối với phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam đồng thời buộc nộp lại số lợi bất chính.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

2,847 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào