Ngân hàng thương mại được thành lập tối đa bao nhiêu chi nhánh tại khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh?
Ngân hàng thương mại được thành lập tối đa bao nhiêu chi nhánh tại khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh?
Căn cứ theo Điều 8 Thông tư 32/2024/TT-NHNN quy định như sau:
Số lượng chi nhánh được thành lập
Ngoài đáp ứng yêu cầu về tổng số lượng chi nhánh quy định tại Điều 7 Thông tư này, ngân hàng thương mại phải đáp ứng yêu cầu sau đây:
1. Ngân hàng thương mại được thành lập tối đa 10 chi nhánh tại mỗi khu vực nội thành thành phố Hà Nội hoặc nội thành thành phố Hồ Chí Minh.
2. Ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động dưới 12 tháng tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị được thành lập không quá 03 chi nhánh và các chi nhánh này không được thành lập trên cùng một địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong một năm tài chính.
3. Ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị được thành lập không quá năm (05) chi nhánh và số chi nhánh tại vùng nông thôn chiếm ít nhất 50% tổng số chi nhánh được thành lập trong một năm tài chính.
...
Như vậy, theo quy định trên thì ngân hàng thương mại được thành lập tối đa 10 chi nhánh tại mỗi khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh.
Ngân hàng thương mại được thành lập tối đa bao nhiêu chi nhánh khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh? (hình từ internet)
Ai quyết định thành lập chi nhánh ngân hàng thương mại ở trong nước?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Thông tư 32/2024/TT-NHNN quy định như sau:
Thẩm quyền chấp thuận về mạng lưới của ngân hàng thương mại
...
4. Trong một số trường hợp cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét quyết định chấp thuận:
a) Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, phòng giao dịch ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại trên cơ sở trình tự, thủ tục theo quy định tại Thông tư này và phù hợp với điều kiện thực tế nhằm:
(i) Phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại giao và điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ;
(ii) Hỗ trợ ngân hàng thương mại tham gia xử lý quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.
b) Chuyển đổi phòng giao dịch thành chi nhánh ở trong nước của ngân hàng thương mại trên cơ sở hồ sơ, điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập chi nhánh ở trong nước quy định tại Thông tư này, phù hợp với điều kiện thực tế nhằm thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
...
Như vậy, theo quy định, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định chấp thuận việc thành lập chi nhánh ngân hàng thương mại trong nước.
Nhân sự điều hành tối thiểu của chi nhánh ngân hàng thương mại trong nước gồm có ai?
Căn cứ theo Điều 15 Thông tư 32/2024/TT-NHNN quy định như sau:
Khai trương hoạt động chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch
1. Yêu cầu khai trương hoạt động chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch:
...
b) Trụ sở chi nhánh có kho tiền đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp ngân hàng thương mại có hơn một chi nhánh trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngân hàng thương mại phải có tối thiểu một chi nhánh có kho tiền theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và phải chịu trách nhiệm chuyển tiền của các chi nhánh không có kho tiền về chi nhánh có kho tiền sau khi kết thúc giờ giao dịch mỗi ngày làm việc;
c) Chi nhánh, phòng giao dịch có hệ thống công nghệ thông tin kết nối trực tuyến với trụ sở chính và phòng giao dịch kết nối trực tuyến với chi nhánh quản lý; đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu hoạt động liên tục, an toàn, bảo mật cho các hoạt động nghiệp vụ;
d) Chi nhánh, phòng giao dịch có đầy đủ nhân sự điều hành tối thiểu gồm Giám đốc chi nhánh, Giám đốc phòng giao dịch hoặc chức danh tương đương và đội ngũ nhân viên thực hiện nghiệp vụ tại phòng giao dịch, chi nhánh, trong đó Giám đốc chi nhánh, Giám đốc phòng giao dịch này không được kiêm nhiệm Giám đốc chi nhánh, Giám đốc phòng giao dịch khác và Giám đốc chi nhánh không được kiêm nhiệm Giám đốc phòng giao dịch;
đ) Giám đốc chi nhánh hoặc các chức danh tương đương (đối với trường hợp khai trương hoạt động chi nhánh) đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 41 Luật Các tổ chức tín dụng.
...
Như vậy, nhân sự điều hành tối thiểu của chi nhánh ngân hàng thương mại trong nước gồm có Giám đốc chi nhánh hoặc chức danh tương đương và đội ngũ nhân viên thực hiện nghiệp vụ tại chi nhánh.
Lưu ý: Giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại này không được kiêm nhiệm Giám đốc chi nhánh khác và Giám đốc chi nhánh không được kiêm nhiệm Giám đốc phòng giao dịch.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.