Mức tiền thưởng khi cung cấp thông tin về đối tượng đang bị truy nã là bao nhiêu? Người dân có được đóng góp vào quỹ khen thưởng phòng chống tội phạm không?
- Mức tiền thưởng khi cung cấp thông tin về đối tượng đang bị truy nã hiện nay là bao nhiêu?
- Người dân có được đóng góp vào Quỹ phòng chống tội phạm nhằm mục đích chi khen thưởng cho việc cung cấp thông tin về đối tượng đang bị truy nã không?
- Bộ Công an có trách nhiệm gì trong việc thực hiện quản lý, điều hành Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương?
Mức tiền thưởng khi cung cấp thông tin về đối tượng đang bị truy nã hiện nay là bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC thì đối tượng đang bị truy nã bao gồm:
- Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.
- Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn.
- Người bị kết án phạt tù bỏ trốn.
- Người bị kết án tử hình bỏ trốn.
- Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 5 Quyết định 04/2019/QĐ-TTg quy định về nội dung chi và định mức chi từ Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương như sau:
Nội dung chi và định mức chi từ Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương
Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương được sử dụng để chi cho các nội dung sau:
1. Thưởng đột xuất bằng tiền cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm và ma túy. Mức tiền thưởng cụ thể cho từng trường hợp cá nhân, tập thể do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tối đa đối với cá nhân là 5.000.000 đồng/người/lần khen thưởng và tối đa đối với tập thể là 20.000.000 đồng/tập thể/lần khen thưởng.
2. Hỗ trợ tiền đền bù, trợ cấp đột xuất đối với gia đình và người trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm và ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản. Mức chi thực hiện theo quy định tại Nghị định số 103/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chế độ đền bù, trợ cấp đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản.
Theo đó, trong công tác phòng, chống tội phạm Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quyết định thưởng tối đa 5.000.000 đối với cá nhân và 20.000.000 đối với tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống tội phạm.
Do đó, người cung cấp thông tin về đối tượng đang bị truy nã có thể sẽ được khen thưởng bằng tiền theo quy định.
Mức tiền thưởng khi cung cấp thông tin về đối tượng đang bị truy nã là bao nhiêu? Người dân có được đóng góp vào quỹ khen thưởng phòng chống tội phạm không? (Hình từ Internet)
Người dân có được đóng góp vào Quỹ phòng chống tội phạm nhằm mục đích chi khen thưởng cho việc cung cấp thông tin về đối tượng đang bị truy nã không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định 04/2019/QĐ-TTg như sau:
Nguyên tắc thành lập, quản lý, điều hành, sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm
1. Quỹ phòng, chống tội phạm là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương (gọi là Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương) và ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh) để hỗ trợ cho công tác phòng, chống tội phạm.
2. Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương do Bộ trưởng Bộ Công an quản lý, điều hành. Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, quản lý và điều hành.
3. Quỹ phòng, chống tội phạm được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước.
...
Đồng thời theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định 04/2019/QĐ-TTg như sau:
Thành lập Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương
Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương được thành lập và hình thành từ các nguồn thu sau:
1. Số dư từ Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương đã được hình thành theo Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Ngân sách trung ương hỗ trợ vốn điều lệ khi thành lập Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương theo Quyết định này.
3. Tài trợ, đóng góp tự nguyện từ nguồn hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống tội phạm.
Theo đó, Quỹ phòng, chống tội phạm là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hỗ trợ cho công tác phòng, chống tội phạm.
Và, đặc biệt người dân có thể tài trợ, đóng góp tự nguyện vào Quỹ này để phục vụ cho công tác phòng, chống tội phạm bao gồm cả việc khen thưởng đối với người cung cấp thông tin về đối tượng đang bị truy nã.
Bộ Công an có trách nhiệm gì trong việc thực hiện quản lý, điều hành Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định 04/2019/QĐ-TTg về trách nhiệm của Bộ Công an trong việc thực hiện quản lý, điều hành Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương gồm:
(1) Chịu trách nhiệm quản lý, điều hành, sử dụng và thanh toán, quyết toán Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương
Chánh Văn phòng Bộ Công an giúp Bộ trưởng Bộ Công an theo dõi, quản lý, cấp và thanh toán, quyết toán Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương theo quy định tại Quyết định này, được ủy quyền mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước (nơi đơn vị đóng trụ sở) để quản lý và mở sổ kế toán theo dõi các khoản thu, chi, lập báo cáo quyết toán Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương theo quy định của pháp luật.
(2) Tổ chức huy động tài trợ, viện trợ và tiếp nhận các khoản tài trợ, viện trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương.
(3) Tổng hợp tình hình quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương theo định kỳ 6 tháng, hàng năm và đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính để theo dõi, tổng hợp chung.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.