Mẫu thông báo lịch trả cổ tức cho cổ đông doanh nghiệp mới nhất? Cổ phần mà cổ đông ưu đãi cổ tức nhận được từ việc chi trả cổ tức có phải là cổ phần ưu đãi không?
Mẫu thông báo lịch trả cổ tức cho cô đông doanh nghiệp mới nhất hiện nay là mẫu nào?
Hiện tại, pháp luật không có quy định cụ thể về mẫu thông báo lịch trả cổ tức cho cổ đông doanh nghiệp.
Việc soạn thảo mẫu thông báo sẽ do phía doanh nghiệp tự mình thực hiện dựa trên quy định của pháp luật.
Cụ thể tại khoản 4 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về thông tin phải có trong mẫu thông báo lịch trả cổ tức như sau:
Trả cổ tức
...
4. Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức. Thông báo về trả cổ tức được gửi bằng phương thức để bảo đảm đến cổ đông theo địa chỉ đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức. Thông báo phải bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên công ty và địa chỉ trụ sở chính của công ty;
b) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân;
c) Tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
d) Số lượng cổ phần từng loại của cổ đông; mức cổ tức đối với từng cổ phần và tổng số cổ tức mà cổ đông đó được nhận;
đ) Thời điểm và phương thức trả cổ tức;
e) Họ, tên, chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty.
...
Căn cứ theo quy định vừa nêu trên thì doanh nghiệp có thể tham khảo mẫu "Thông báo lịch trả cổ tức cho cô đông" sau đây: TẢI VỀ
Mẫu thông báo lịch trả cổ tức cho cô đông doanh nghiệp mới nhất? (Hình từ Internet)
Cổ phần mà cổ đông ưu đãi cổ tức nhận được từ việc chi trả cổ tức có phải là cổ phần ưu đãi không?
Căn cứ khoản 3 và khoản 6 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định như sau:
Trả cổ tức
....
3. Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty. Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.
...
6. Trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần theo quy định tại các điều 123, 124 và 125 của Luật này. Công ty phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức.
Theo quy định trên thì cổ tức có thể được chi trả bằng cổ phần của công ty.
Trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần theo quy định tại các điều 123, 124 và 125 Luật Doanh nghiệp 2020.
Đồng thời, công ty phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức.
Bên cạnh đó theo quy định tại khoản 1 Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định như sau:
Cổ phần ưu đãi cổ tức và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức
1. Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi rõ trong cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.
...
Như vậy, cổ phần mà cổ đông ưu đãi cổ tức nhận được từ việc chi trả cổ tức là cổ phần ưu đãi.
Phần cổ phần này được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm.
Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức sẽ có những quyền hạn gì?
Theo khoản 2 Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có quyền sau đây:
(1) Nhận cổ tức theo quy định tại khoản 1 Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2020;
(2) Nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản;
(3) Quyền khác như cổ đông phổ thông theo quy định tại Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020. Bao gồm:
- Tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty, pháp luật quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;
- Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;
- Ưu tiên mua cổ phần mới tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;
- Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020, khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình;
- Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông;
- Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.
Lưu ý: Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.