Mẫu bản cam kết làm việc dài hạn sau khi người lao động được cử đi đào tạo nâng cao trình độ như thế nào?
Mẫu bản cam kết làm việc dài hạn sau khi người lao động được cử đi đào tạo như thế nào?
Đầu tư vào đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động là một quyết định sáng suốt của các doanh nghiệp, góp phần mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Doanh nghiệp có thể cử người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở trong nước hoặc nước ngoài trên cơ sở kinh phí do người sử dụng lao động chi trả.
Mẫu bản cam kết làm việc dài hạn sau khi người lao động được cử đi đào tạo nâng cao trình độ (Hình từ Internet)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019, khi người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động thì hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề và thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo là một trong những nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng đào tạo.
Tuy nhiên, pháp luật lao động chưa có quy định cụ thể về mẫu bản cam kết làm việc sau đào tạo, tuy nhiên, các doanh nghiệp và người sử dụng lao động có thể tham khảo biểu mẫu sau đây:
TẢI VỀ Mẫu bản cam kết làm việc sau đào tạo
Hợp đồng khi cử người lao động đi đào tạo nâng cao trình độ gồm những nội dung gì?
Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Lao động 2019, trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động thì hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề.
Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản và phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Nghề đào tạo;
- Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;
- Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
- Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động;
- Trách nhiệm của người lao động.
Trường hợp cung cấp hợp đồng đào tạo không đầy đủ những thông tin như trên, doanh nghiệp có thể bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 14 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề
1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: không đào tạo cho người lao động trước khi chuyển người lao động sang làm nghề khác cho mình; hợp đồng đào tạo nghề không có các nội dung chủ yếu theo quy định tại khoản 2 Điều 62 của Bộ luật Lao động; thu học phí của người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình; không ký hợp đồng đào tạo với người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình đối với trường hợp người sử dụng lao động không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 61 của Bộ luật Lao động; không trả lương cho người học nghề, tập nghề trong thời gian họ học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động; không ký kết hợp đồng lao động đối với người học nghề, người tập nghề khi hết thời hạn học nghề, tập nghề và đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
...
Đồng thời theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, khi cung cấp hợp đồng đào tạo không đầy đủ những thông tin theo quy định, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền lên đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Nhà nước có những chính sách gì để khuyến khích đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Bộ luật Lao động 2019, Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng lao động có đủ điều kiện đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình và người lao động khác trong xã hội thông qua hoạt động sau đây:
- Thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định;
- Tổ chức thi kỹ năng nghề cho người lao động; tham gia hội đồng kỹ năng nghề; dự báo nhu cầu và xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề; tổ chức đánh giá và công nhận kỹ năng nghề; phát triển năng lực nghề nghiệp cho người lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.