Luật sư ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng thì được nhận thù lao bao nhiêu?
- Luật sư ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng thì được nhận thù lao bao nhiêu?
- Hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao khi luật sư thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng gồm những giấy tờ gì?
- Luật sư đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì có được ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý không?
Luật sư ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng thì được nhận thù lao bao nhiêu?
Thù lao đối với luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng được quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 144/2017/NĐ-CP như sau:
Thù lao, bồi dưỡng và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý
...
Khi áp dụng việc thanh toán thù lao theo buổi làm việc, thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thời gian gặp gỡ, thời gian chuẩn bị các tài liệu, luận cứ bào chữa, bảo vệ và thời gian thực hiện các công việc hợp lý khác tối đa không quá số buổi trả để thực hiện các công việc này áp dụng theo khoán chi vụ việc.
2. Khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao là 0,31 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa không quá 20 buổi làm việc/01 vụ việc.
3. Trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng được hưởng mức bồi dưỡng bằng 40% mức thù lao áp dụng đối với luật sư quy định tại khoản 1 Điều này, được hưởng mức bồi dưỡng bằng 20% mức thù lao áp dụng đối với luật sư khi thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng theo quy định tại khoản 2 Điều này.
...
Theo quy định, khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được hưởng thù lao là 0,31 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa không quá 20 buổi làm việc/01 vụ việc.
Mức lương cơ sở hiện nay theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP là 1.800.000 đồng/tháng.
Như vậy, luật sư sẽ được hưởng mức thù lao là 558.000 đồng/buổi làm việc.
Luật sư ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng thì được nhận thù lao bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao khi luật sư thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng gồm những giấy tờ gì?
Giấy tờ đề nghị thanh toán thù lao thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý được quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2017/NĐ-CP như sau:
Thủ tục đề nghị thanh toán thù lao, bồi dưỡng và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý
1. Đối với hình thức thanh toán theo buổi làm việc, người thực hiện trợ giúp pháp lý gửi Trung tâm hoặc Chi nhánh các loại giấy tờ sau:
a) Bảng kê thời gian thực tế đã thực hiện theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành có xác nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi người thực hiện trợ giúp pháp lý đến làm việc hoặc gặp gỡ;
b) Bảng kê chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định hiện hành về tài chính.
2. Đối với hình thức thanh toán theo khoán chi vụ việc, người thực hiện trợ giúp pháp lý gửi Trung tâm hoặc Chi nhánh các loại giấy tờ sau:
a) Bảng kê công việc đã thực hiện theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành có xác nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi người thực hiện trợ giúp pháp lý đến làm việc hoặc gặp gỡ;
...
Theo quy định, khi luật sư thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng thì đượchưởng thù lao theo buổi làm việc.
Hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao khi luật sư thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng gồm các giấy tờ sau:
(1) Bảng kê thời gian thực tế đã thực hiện theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành có xác nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đến làm việc hoặc gặp gỡ;
(2) Bảng kê chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định hiện hành về tài chính.
Luật sư đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì có được ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý không?
Việc ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 như sau:
Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý
...
3. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý, nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với luật sư có đủ điều kiện sau đây:
a) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư;
b) Không bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
c) Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đang làm việc hoặc cơ quan, tổ chức mà luật sư ký kết hợp đồng lao động.
...
Theo quy định, trường hợp luật sư đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư thì không đủ điều kiện ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Như vậy, nếu đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nằm ngoài hoạt động hành nghề luật sư thì luật sư có thể ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.