Lấy lại xe bị tạm giữ ở đâu? Mẫu đơn xin lấy lại xe bị tạm giữ? Nguyên tắc quản lý, bảo quản xe bị tạm giữ?
Lấy lại xe bị tạm giữ ở đâu? Mẫu đơn xin lấy lại xe bị tạm giữ?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 138/2021/NĐ-CP có quy định thì nơi tạm giữ phương tiện bị tạm giữ là nhà, kho, bến, bãi, cảng, khu vực vùng nước cảng biển, trụ sở cơ quan hoặc nơi khác do người có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu quyết định và phải bảo đảm các điều kiện theo quy định pháp luật.
Đồng thời, tại khoản 9 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi điểm b khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) thì khi tạm giữ phương tiện người xử lý vi phạm sẽ lập biên bản tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính và phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của phương tiện bị tạm giữ.
Biên bản phải có chữ ký của người thực hiện việc tạm giữ, người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm. Trường hợp không có chữ ký của người vi phạm thì phải có chữ ký của ít nhất 01 người chứng kiến. Biên bản phải được lập thành 02 bản, giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản.
Như vậy, người bị tạm giữ phương tiện có thể lấy lại xe bị tạm giữ tại các nơi tạm giữ theo quy định trên. Hoặc nơi tạm giữ có thể được ghi rõ trong biên bản tạm giữ phương tiện. Ngoài ra, người vi phạm khi nộp phạt có thể hỏi chi tiết về các vấn đề liên quan đến phương tiện của mình tại cơ quan có thẩm quyền xử phạt.
>>>Tham khảo: Mẫu đơn xin lấy lại xe bị tạm giữ Tải
* Lưu ý: Mẫu đơn xin lấy lại xe bị tạm giữ trên tham khảo trong trường hợp tai nạn giao thông bị tạm giữ xe.
Lấy lại xe bị tạm giữ ở đâu? Mẫu đơn xin lấy lại xe bị tạm giữ? Nguyên tắc quản lý, bảo quản xe bị tạm giữ? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc quản lý, bảo quản xe bị tạm giữ là gì?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy đình về các nguyên tắc khi quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ như sau:
- Phương tiện bị tạm giữ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn, không để gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.
- Phương tiện bị tạm giữ phải được bảo đảm tính nguyên vẹn, không tính đến phần giảm giá trị thiệt hại do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, độ ẩm, hao mòn theo thời gian và các nguyên nhân khác.
- Chỉ tiếp nhận, trả lại, chuyển phương tiện bị tạm giữ hoặc tiếp nhận, chuyển phương tiện bị tịch thu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền.
Việc trả lại phương tiện bị tạm giữ được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 16 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định về việc trả lại phương tiện bị tạm giữ như sau:
- Việc trả lại phương tiện hoặc chuyển phương tiện bị tạm giữ phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.
- Người quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ thực hiện việc trả lại hoặc chuyển phương tiện khi đã có quyết định trả lại phương tiện theo trình tự như sau:
+ Kiểm tra quyết định trả lại phương tiện bị tạm giữ; kiểm tra thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân của người đến nhận.
Người đến nhận lại phương tiện tạm giữ phải là người vi phạm hoặc chủ sở hữu có phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Nếu chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân vi phạm ủy quyền cho người khác đến nhận lại phương tiện bị tạm giữ thì phải lập văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật;
+ Yêu cầu người đến nhận lại phương tiện bị tạm giữ đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, đặc điểm, hiện trạng của phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của người quản lý. Việc giao, nhận lại phương tiện bị tạm giữ phải được lập thành biên bản;
- Trường hợp chuyển tang vật, phương tiện cho cơ quan điều tra, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hoặc cơ quan giám định thì người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải lập biên bản về số lượng, khối lượng, trọng lượng, đặc điểm, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, tình trạng của tang vật, phương tiện. Biên bản được lập thành 02 bản có chữ ký của bên giao và bên nhận, mỗi bên giữ 01 bản;
- Đối với phương tiện bị tịch thu đã được xác lập quyền sở hữu toàn dân hoặc đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản thì cơ quan của người đã ra quyết định tịch thu trước đó phối hợp với cơ quan được giao chủ trì xử lý tài sản tổ chức chuyển giao tài sản và hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến tài sản cho cơ quan, tổ chức tiếp nhận.
- Người quản lý, bảo quản phương tiện sau khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc sau khi đã chuyển phương tiện bị tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm báo cáo người có thẩm quyền đã ra quyết định tạm giữ, tịch thu trước đó về kết quả đã thực hiện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.