Kinh doanh bida có phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện không? Thủ tục để cá nhân đăng ký kinh doanh bida quy định thế nào?
Kinh doanh bida có phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện không?
Quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020 như sau:
Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
1. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
2. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật này.
...
Theo Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì không có kinh doanh bida. Do đó, kinh doanh bida không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Kinh doanh bida (Hình từ Internet)
Thủ tục để cá nhân đăng ký kinh doanh bida quy định thế nào?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định về các hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh như sau:
1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
...
Theo đó, hoạt động kinh doanh bida không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 3 nêu trên.
Do đó, cá nhân kinh doanh bida phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định tại Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
Bước 1: Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh bida nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh. Hồ sơ gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Bước 2: Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
Lưu ý: Nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Cá nhân kinh doanh bida nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh thì bị xử phạt thế nào?
Mức xử phạt đối với cá nhân kinh doanh bida nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh được quy định tại điểm c khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm về đăng ký hộ kinh doanh
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
...
c) Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định;
...
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
b) Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp chưa đăng ký đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
Và khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:
Mức phạt tiền
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, cá nhân kinh doanh bida nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.