Khi có ô nhiễm môi trường và thiệt hại xảy ra thì ai có trách nhiệm chứng minh mối quan hệ nhân quả?
- Ai có trách nhiệm chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại?
- Chi phí cải tạo môi trường có là căn cứ để xác định chi phí bồi thường thiệt hại về ô nhiễm môi trường khi bị suy giảm chức năng môi trường hay không?
- Khi nào thực hiện giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường?
Ai có trách nhiệm chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại?
Căn cứ Điều 133 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định như sau:
Giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường
1. Bồi thường thiệt hại về môi trường được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. Trong trường hợp không thương lượng được, các bên có thể lựa chọn giải quyết thông qua các hình thức sau đây:
a) Hòa giải;
b) Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài;
c) Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.
2. Việc giải quyết tại Tòa án được thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng và pháp luật về tố tụng dân sự, trừ các quy định về việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra. Việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại xảy ra thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, gây ô nhiễm về môi trường.
Theo đó, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại xảy ra thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, gây ô nhiễm môi trường.
Khi có ô nhiễm môi trường và thiệt hại xảy ra thì ai có trách nhiệm chứng minh mối quan hệ nhân quả? (Hình từ Internet)
Chi phí cải tạo môi trường có là căn cứ để xác định chi phí bồi thường thiệt hại về ô nhiễm môi trường khi bị suy giảm chức năng môi trường hay không?
Căn cứ Điều 134 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chi phí bồi thường thiệt hại về ô nhiễm môi trường như sau:
Chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường
1. Chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 của Luật này được tính căn cứ vào các nội dung sau đây:
a) Chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;
b) Chi phí xử lý, cải tạo môi trường;
c) Chi phí giảm thiểu, triệt tiêu nguồn gây thiệt hại hoặc tổ chức ứng phó sự cố môi trường;
d) Chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục bồi thường thiệt hại về môi trường;
đ) Tùy điều kiện cụ thể có thể áp dụng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này để tính chi phí thiệt hại về môi trường, làm căn cứ để bồi thường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường.
2. Chi phí bồi thường thiệt hại do tổ chức, cá nhân chi trả trực tiếp hoặc nộp về Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh để tổ chức chi trả.
Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 130 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định như sau:
Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường và nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường
1. Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường bao gồm:
a) Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;
b) Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.
...
Như vậy, chi phí cải tạo môi trường là một trong các căn cứ để xác định chi phí bồi thường thiệt hại về ô nhiễm môi trường khi bị suy giảm chức năng của môi trường theo quy định.
Khi nào thực hiện giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường?
Căn cứ Điều 120 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Thực hiện giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường
1. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường không đồng ý với kết quả xác định thiệt hại có thể yêu cầu giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường.
2. Trình tự, thủ tục thực hiện giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường áp dụng theo quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực môi trường và các quy định của pháp luật có liên quan.
3. Kết quả giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường là căn cứ để cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường đưa ra quyết định yêu cầu bồi thường thiệt hại trước khi lựa chọn giải quyết thông qua các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 133 Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường không đồng ý với kết quả xác định thiệt hại có thể yêu cầu giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường.
Như vậy, việc giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được thực hiện khi tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường không đồng ý với kết quả xác định thiệt hại và có yêu cầu giám định thiệt hại.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.