Hợp đồng lao động bán thời gian, một tháng chỉ làm việc 10 ngày thì có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
- Hợp đồng lao động bán thời gian, một tháng chỉ làm việc 10 ngày thì có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
- Hợp đồng lao động bán thời gian, một tháng chỉ làm việc 10 ngày thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng những chế độ gì?
- Bảo hiểm xã hội được thực hiện dựa trên những nguyên tắc nào?
Hợp đồng lao động bán thời gian, một tháng chỉ làm việc 10 ngày thì có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Hợp đồng lao động bán thời gian, một tháng chỉ làm việc 10 ngày thì có phải đóng bảo hiểm xã hội không, thì căn cứ quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
...
Như vậy căn cứ quy định trên thì hợp đồng lao động trên 1 tháng đều phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc kể cả một tháng chỉ quy định làm việc 10 ngày (trừ những trường hợp như người lao động đang hưởng chế độ lương hưu).
Và căn cứ khoản 4 Điều 42 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 như sau:
Quản lý đối tượng
...
4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
...
Từ quy định trên thì rất nhiều người hiểu nhầm rằng không làm việc 14 ngày trong tháng thì sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội, nhưng thực tế quy định này được hiểu như sau:
Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó, có thể hiểu quy định chính xác ở đây là "14 ngày làm việc" chứ không phải là 14 ngày bình thường theo lịch.
Vì vậy trong Hợp đồng lao động bán thời gian quy định cụ thể một tháng có 10 ngày làm việc thì nếu họ nghỉ hết cả 10 ngày làm việc trong tháng thì công ty vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội cho họ vì chưa nghỉ đủ 14 "ngày làm việc" theo quy định trên.
Có thể thấy quy định này cũng có những bất cập nhất định, vậy trường hợp này sẽ giải quyết như thế nào?
Theo quan điểm của tác giả thì sẽ có hai hướng giải quyết trong thực tế:
Một là, liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý trực tiếp, giải trình về trường hợp của mình, theo đó một số cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp không phải đóng bảo hiểm xã hội trong trường hợp này.
Hai là, quy định trong hợp đồng lao động thời gian làm việc như những người lao động khác là trung bình 26 ngày làm việc bình thường trong tháng, như vậy họ chỉ đi làm 10 ngày tức là đã nghỉ trên 14 ngày/tháng nên sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định nêu trên, ngược lại khi thực hiện theo cách này thì người lao động sẽ có những bất lợi nhất định khi không được hưởng các chế độ chuyên cần của công ty hoặc gặp rủi ro nếu công ty xử lý kỷ luật vì "nghỉ việc không có lý do chính đáng" theo số ngày làm việc trong hợp đồng lao động.
Tuy nhiên đây cũng chỉ là những hướng giải quyết phát sinh trong thực tế, đều sẽ có những bất cập nhất định, vì vậy cần phải có sự thay đổi, bổ sung quy định này để đảm bảo hơn cho doanh nghiệp áp dụng loại hợp đồng lao động bán thời gian cũng như có những chính sách tham gia bảo hiểm xã hội phù hợp với những đối tượng người lao động theo hợp đồng bán thời gian này.
Bảo hiểm xã hội (Hình từ Internet)
Hợp đồng lao động bán thời gian, một tháng chỉ làm việc 10 ngày thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng những chế độ gì?
Theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Các chế độ bảo hiểm xã hội
1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.
3. Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.
Như vậy, hợp đồng lao động bán thời gian, một tháng chỉ làm việc 10 ngày thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng những chế độ sau:
- Ốm đau;
- Thai sản;
- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Hưu trí;
- Tử tuất.
Bảo hiểm xã hội được thực hiện dựa trên những nguyên tắc nào?
Bảo hiểm xã hội được thực hiện dựa trên những nguyên tắc được quy định tại Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
(1) Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
(2) Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
(3) Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
(4) Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
(5) Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.