Trình tự kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô nhập khẩu như thế nào?
- Trình tự kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô nhập khẩu như thế nào?
- Trách nhiệm của người nhập khẩu ô tô theo Nghị định 60/2023/NĐ-CP thế nào?
- Khi nào quy định về kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô nhập khẩu có hiệu lực?
Trình tự kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô nhập khẩu như thế nào?
Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 60/2023/NĐ-CP quy định trình tự kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô nhập khẩu như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra
- Người nhập khẩu lập 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 60/2023/NĐ-CP và nộp cho Cơ quan kiểm tra băng hình thức trực tuyến thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (nộp hồ sơ điện tử). Trường hợp bất khả kháng, người nhập khẩu có thể nộp hồ sơ giấy cho Cơ quan kiểm tra.
- Đối với kiểu loại ô tô nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam, tại thời điểm đăng ký kiểm tra, người nhập khẩu phải cung cấp các tài liệu quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g, h khoản 1 Điều 4 (riêng đối với Giấy chứng nhận xuất xưởng, trong trường hợp nộp hồ sơ điện tử, người nhập khẩu nộp 01 bản sao đại diện cho mỗi kiểu loại trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và nộp bổ sung tất cả bản chính Giấy chứng nhận xuất xưởng cửa các xe trong lô hàng nhập khẩu đó cho cơ quan kiểm tra trước khi kiểm tra xe thực tế).
Tài liệu quy định tại điểm i khoản 1 Điều 4 Nghị định 60/2023/NĐ-CP phải nộp khi đề nghị kiểm tra thực tế.
- Đối với kiểu loại xe đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này, tại thời điểm đăng ký kiểm tra, người nhập khẩu phải cung cấp các tài liệu quy định tại điểm a, b, c, e, h khoản 1 Điều 4 (riêng đối với Giấy chứng nhận xuất xưởng, trong trường hợp nộp hồ sơ điện tử, người nhập khẩu nộp 01 bản sao đại diện cho mỗi kiểu loại trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và nộp bổ sung tất cả bản chính Giấy chứng nhận xuất xưởng của các xe trong lô hàng nhập khẩu đó cho cơ quan kiểm tra trước khi kiểm tra xe thực tế). Tài liệu quy định tại điểm i khoản 1 Điều 4 phải nộp khi đề nghị kiểm tra thực tế.
- Người nhập khẩu có trách nhiệm cung cấp số Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu đã được Cơ quan kiểm tra cấp cho chiếc xe cùng kiểu loại thuộc hồ sơ đăng ký kiểm tra lần đầu để cơ quan kiểm tra có căn cứ truy xuất tài liệu phục vụ công tác kiểm tra.
- Khi Tài liệu COP hết hiệu lực thì người nhập khẩu phải bổ sung Tài liệu COP mới. Trường hợp chưa cung cấp được Tài liệu COP thì người nhập khẩu cung cấp Báo cáo kết quả đánh giá bảo đảm chất lượng và trong vòng 90 ngày người nhập khẩu phải bổ sung Tài liệu COP còn hiệu lực.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra
Cơ quan kiểm tra tiếp nhận, kiểm tra thành phần hồ sơ đăng ký kiểm tra và trả kết quả trong thời gian tối đa 01 ngày làm việc, cụ thể như sau:
- Nếu hồ sơ đăng ký kiểm tra đầy đủ theo quy định, Cơ quan kiểm tra ký xác nhận vào Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, hệ thống tự động cấp số đăng ký kiểm tra và gửi lên Cổng thông tin một cửa quốc gia (đối với hồ sơ điện tử) hoặc Cơ quan kiểm tra cấp số đăng ký kiểm tra, ký xác nhận vào Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường,
- Sau đó trả lại người nhập khẩu (đối với hồ sơ giấy) để người nhập khẩu làm thủ tục nhập khẩu với cơ quan hải quan cửa khẩu; trường hợp hồ sơ đăng ký kiểm tra chưa đủ theo quy định, Cơ quan kiểm tra thông báo trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (đối với hồ sơ điện tử) hoặc thông báo theo mẫu quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định 60/2023/NĐ-CP (đối với hồ sơ giấy) để người nhập khẩu bổ sung, sửa đổi.
- Cơ quan kiểm tra có quyền từ chối tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra và thông báo cho người nhập khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (đối với hồ sơ điện tử) hoặc thông báo theo mẫu quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định 60/2023/NĐ-CP (đối với hồ sơ giấy) đối với các trường hợp sau:
+ Trường hợp ô tô hoặc linh kiện có mối đe dọa đến an toàn hoặc đến môi trường;
+ Trường hợp người nhập khẩu không xuất trình phương tiện để kiểm tra đối với lô hàng trước đó và quá 15 ngày kể từ ngày mở hồ sơ đăng ký kiểm tra (trừ trường hợp bất khả kháng).
Bước 3: Kiểm tra
Người nhập khẩu gửi tới Cơ quan kiểm tra:
- Bản xác nhận kế hoạch kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục XI kèm theo Nghị định 60/2023/NĐ-CP trên Cổng thông tin một cửa quốc gia kèm theo số, ngày, tháng, năm của Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (đối với hồ sơ điện tử) hoặc Bản xác nhận kế hoạch kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục XI kèm theo Nghị định 60/2023/NĐ-CP kèm theo bản sao Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (đối với hồ sơ giấy).
Trong khoảng thời gian không quá 01 ngày làm việc tính từ ngày kiểm tra do người nhập khẩu đề nghị trên Bản xác nhận kế hoạch kiểm tra, Cơ quan kiểm tra phải thực hiện kiểm tra.
Trường hợp bất khả kháng không thể thực hiện kiểm tra (như thiên tai, dịch bệnh...), Cơ quan kiểm tra thống nhất với người nhập khẩu để kiểm tra trong thời gian phù hợp.
Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu
- Kể từ ngày kết thúc kiểm tra đạt yêu cầu và hồ sơ được đánh giá đầy đủ, hợp lệ theo quy định, trong thời hạn không quá 04 ngày làm việc, , cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (đối với hồ sơ điện tử) hoặc bản giấy (đối với hồ sơ giấy) cho từng xe trong toàn bộ lô xe nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục V kèm theo Nghị định 60/2023/NĐ-CP.
- Trường hợp ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng cấm nhập khẩu quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP thì cấp Thông báo xe cơ giới thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo quy định tại Phụ lục VI kèm theo Nghị định 60/2023/NĐ-CP trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (đối với hồ sơ điện tử) hoặc bản giấy (đối với hồ sơ giấy).
Trình tự kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô nhập khẩu như thế nào? (Hình từ internet)
Trách nhiệm của người nhập khẩu ô tô theo Nghị định 60/2023/NĐ-CP thế nào?
Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 60/2023/NĐ-CP quy định trách nhiệm của người nhập khẩu ô tô như sau:
- Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác, hợp lệ và hợp pháp của các hồ sơ tài liệu đã cung cấp cho cơ quan kiểm tra.
- Chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa do mình nhập khẩu.
- Bảo đảm giữ nguyên trạng ô tô nhập khẩu để cơ quan kiểm tra thực hiện việc kiểm tra.
- Phối hợp với cơ quan kiểm tra trong quá trình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Trường hợp xảy ra sự cố giao dịch điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, người nhập khẩu phải thông báo cho cơ quan quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia để phối hợp giải quyết.
- Nộp các khoản phí, lệ phí, giá dịch vụ theo quy định của pháp luật.
- Báo cáo bằng văn bản đến cơ quan kiểm tra theo định kỳ hằng năm và ngay sau thời gian kết thúc triệu hồi theo kế hoạch.
Khi nào quy định về kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô nhập khẩu có hiệu lực?
Căn cứ tại Điều 11 Nghị định 60/2023/NĐ-CP quy định về hiệu lực thi hành như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2023 và áp dụng cụ thể cho các đối tượng như sau:
a) Đối với linh kiện: Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
b) Đối với ô tô: Kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2025.
2. Các linh kiện và ô tô nhập khẩu có thời điểm về đến cảng, cửa khẩu Việt Nam trước ngày hiệu lực được nêu trong Nghị định này thì không áp dụng quy định tại Nghị định này.
Như vậy, quy định về kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô nhập khẩu chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2025.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.