Thuốc pháo nổ là gì? Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc pháo nổ hiện nay được thực hiện thế nào?

Cho tôi hỏi: Thuốc pháo nổ là gì? Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc pháo nổ hiện nay gồm những nội dung gì? - Câu hỏi của anh Khánh (Gia Lai)

Thuốc pháo nổ là gì? Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc pháo nổ gồm những gì?

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP có định nghĩa về khái niệm thuốc pháo nổ như sau:

Thuốc pháo nổ là sản phẩm trực tiếp dùng để sản xuất pháo nổ, dưới tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí và tạo ra áp suất lớn gây ra tiếng nổ

Theo đó, có thể hiểu thuốc pháo nổ là sản phẩm được dùng để sản xuất pháo nổ (loại pháo gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian).

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, tiểu mục 31 Mục D Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 3191/QĐ-BCA năm 2022. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc pháo nổ bao gồm:

- Văn bản đề nghị trong đó nêu cụ thể chủng loại, số lượng thuốc pháo nổ, phương tiện vận chuyển;

- Bản sao Quyết định thành lập hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Giấy giới thiệu;

- Bản sao Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc Chứng minh quân nhân.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

Thuốc pháo nổ là gì? Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc pháo nổ hiện nay được thực hiện thế nào?

Thuốc pháo nổ là gì? Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc pháo nổ hiện nay được thực hiện thế nào? (Hình từ Internet)

Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc pháo nổ có những bước nào?

Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc pháo nổ được thực hiện theo quy định tại tiểu mục 31 Mục D Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 3191/QĐ-BCA năm 2022.

Cụ thể như sau:

- Bước 1: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở trung ương có nhu cầu cấp giấy phép nhập khẩu thuốc pháo nổ nộp hồ sơ tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an vào giờ hành chính các ngày làm việc trong tuần, qua Cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính.

- Bước 2: Cán bộ tiếp nhận kiểm tra tính hợp lệ và thành phần của hồ sơ. Nếu hồ sơ đủ điều kiện, thủ tục thì tiếp nhận hồ sơ, giao giấy biên nhận hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công trực tuyến cho người được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp giao nộp hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thủ tục hoặc kê khai chưa đầy đủ, chính xác thì hướng dẫn bằng văn bản hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công trực tuyến ghi rõ thủ tục, nội dung cần bổ sung, kê khai.

Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận hồ sơ và trả lời bằng văn bản hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công trực tuyến nêu rõ lý do không tiếp nhận hồ sơ.

- Bước 3: Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy biên nhận hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép nhập khẩu thuốc pháo nổ đến nhận giấy phép nhập khẩu thuốc pháo nổ hoặc nhận qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính.

Trong đó:

- Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc.

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, doanh nghiệp.

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an.

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy phép nhập khẩu thuốc pháo nổ có thời hạn 60 ngày.

- Lệ phí (nếu có): 150.000 đồng/01 giấy phép.

Việc quản lý, bảo quản thuốc pháo được thực hiện như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, việc quản lý, bảo quản thuốc pháo được thực hiện bảo đảm các điều kiện sau đây:

- Bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định;

- Kho cất giữ, bảo quản thuốc pháo phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, chống sét, kiểm soát tĩnh điện và bảo vệ môi trường theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và các quy định của pháp luật có liên quan;

- Kho cất giữ, bảo quản thuốc pháo phải:

+ Có nội quy, quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy;

+ Có phương án bảo vệ, bố trí lực lượng bảo vệ và tổ chức canh gác 24/24 giờ;

+ Kiểm tra, kiểm soát điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy đối với người, phương tiện ra, vào và làm việc trong khu vực kho;

+ Có biển cấm, biển báo, chỉ dẫn các quy định liên quan đến công tác an toàn, phòng chống cháy, nổ;

+ Niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập;

+ Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phương án bảo đảm an ninh, trật tự và kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất;

+ Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Trong đó, quá trình bốc xếp, vận chuyển, bảo quản thuốc pháo tránh va chạm mạnh, tránh xa các nguồn nhiệt, điện; tuyệt đối cấm lửa hoặc các vật dụng có thể gây ra lửa, tia lửa.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đặng Phan Thị Hương Trà Lưu bài viết
2,166 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào