Sự cố hóa chất là gì? Những đối tượng nào sẽ được huấn luyện an toàn hóa chất để phòng ngừa sự cố hóa chất?
Sự cố hóa chất là gì?
Căn cứ vào khoản 8 Điều 4 Luật Hóa chất 2007 đã đưa ra khái niệm về sự cố hóa chất như sau:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
…
8. Sự cố hóa chất là tình trạng cháy, nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho người, tài sản và môi trường.”
Ngoài ra tại khoản 9 Điều 4 Luật Hóa chất 2007 đã đưa ra khái niệm về sự cố hóa chất nghiêm trọng như sau:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
…
9. Sự cố hóa chất nghiêm trọng là sự cố hóa chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại lớn, trên diện rộng cho người, tài sản, môi trường và vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của cơ sở hóa chất.”
Như vậy, sự cố hóa chất là việc cháy, nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho con người, tài sản và môi trường. Còn sự cố hóa chất nghiêm trọng là sự cố gây hại hoặc có nguy cơ gây hại lớn, trên diện rộng và vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ sở hóa chất.
Sự cố hóa chất là gì? Những đối tượng nào sẽ được huấn luyện an toàn hóa chất để phòng ngừa sự cố hóa chất?
Phòng ngừa sự cố hóa chất được thực hiện theo quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 36 Luật Hóa chất 2007 quy định như sau:
“Điều 36. Phòng ngừa sự cố hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn; định kỳ đào tạo, huấn luyện về an toàn hóa chất cho người lao động.
2. Chủ đầu tư dự án hoạt động hóa chất không thuộc Danh mục quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật này phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất.
3. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
a) Xác định, khoanh vùng và lập kế hoạch kiểm tra thường xuyên các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất cao;
b) Các biện pháp, trang thiết bị và lực lượng ứng phó tại chỗ;
c) Phương án phối hợp với các lực lượng bên ngoài để ứng phó sự cố hóa chất.
4. Chủ đầu tư dự án hoạt động hóa chất thuộc Danh mục quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật này phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; chỉ được đưa dự án vào hoạt động sau khi Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt. Trường hợp mở rộng quy mô, thay đổi phạm vi hoạt động phải sửa đổi, bổ sung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.”
Như vậy, việc phòng ngừa sự cố hóa chất được thực hiện theo quy định nêu trên.
Những đối tượng nào sẽ được huấn luyện an toàn hóa chất để phòng ngừa sự cố hóa chất?
Căn cứ vào Điều 32 Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 32. Đối tượng phải được huấn luyện an toàn hóa chất
1. Nhóm 1, bao gồm:
a) Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương;
b) Cấp phó của người đứng đầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn hóa chất.
2. Nhóm 2, bao gồm:
a) Cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn hóa chất của cơ sở;
b) Người trực tiếp giám sát về an toàn hóa chất tại nơi làm việc.
3. Nhóm 3, bao gồm người lao động liên quan trực tiếp đến hóa chất.”
Như vậy, sẽ có 03 nhóm đối tượng được huấn luyện an toàn hóa chất để phòng ngừa sự cố hóa chất theo quy định nêu trên.
Tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất để phòng ngừa sự cố hóa chất như thế nào?
Căn cứ vào Điều 31 Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 31. Tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất hoặc cử các đối tượng được quy định tại Điều 32 của Nghị định này tham gia các khóa huấn luyện của các tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất, định kỳ 02 năm một lần.
2. Hoạt động huấn luyện an toàn hóa chất có thể được tổ chức riêng hoặc kết hợp với các hoạt động huấn luyện an toàn khác được pháp luật quy định.
3. Người đã được huấn luyện phải được huấn luyện lại trong các trường hợp sau đây: Khi có sự thay đổi chủng loại hóa chất, công nghệ, cơ sở vật chất, phương án sản xuất liên quan đến vị trí làm việc; khi người đã được huấn luyện thay đổi vị trí làm việc; sau 02 lần kiểm tra người đã được huấn luyện không đạt yêu cầu; khi hết thời hạn 02 năm từ kể từ lần huấn luyện trước.
4. Quy định về huấn luyện an toàn hóa chất tại Chương này không điều chỉnh đối với tổ chức, cá nhân hoạt động xăng dầu, dầu khí, vật liệu nổ công nghiệp; tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.”
Theo đó, việc huấn luyện an toàn hóa chất để phòng ngừa sự cố hóa chất được thực hiện theo quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.