Sản phẩm thủy sản do các cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi nhập khẩu để làm giống có thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hay không?
Sản phẩm thủy sản do cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi có được miễn thuế nhập khẩu?
Căn cứ khoản 12 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 (được hướng dẫn tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi khoản 2 đến khoản 12 Điều 1, điểm a, điểm d khoản 2 Điều 2 Nghị định 18/2021/NĐ-CP) quy định miễn thuế nhập khẩu như sau:
Miễn thuế
...
12. Giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
...
Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 18 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ quy định:
Miễn thuế đối với giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật
1. Giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 12 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
...
3. Căn cứ để xác định hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục giống cây trông, giống vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cần thiết nhập khẩu thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Hồ sơ, thủ tục miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định này.
Theo kết luận tại Công văn 3533/TCHQ-TXNK 2022, miễn thuế nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản do cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi được cấp bởi cơ quan quản lý nhà nước cấp nhập khẩu để làm giống như sau:
Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản để làm giống đáp ứng quy định tại các văn bản nêu trên thì được miễn thuế nhập khẩu.
Đối với kiến nghị điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu để khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản trong nước, đề nghị các doanh nghiệp liên hệ với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Sản phẩm thủy sản do các cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi nhập khẩu để làm giống có thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hay không? (Hình từ Internet)
Sản phẩm thủy sản do cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi nhập khẩu để làm giống có phải đối tượng chịu thuế GTGT?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được hướng dẫn tại Nghị định 209/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 146/2017/NĐ-CP), về đối tượng không chịu thuế GTGT:
Đối tượng không chịu thuế
...
2. Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền.
...
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:
Đối tương không chịu thuế GTGT
...
2. Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, cành giống, củ giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại. Sản phẩm giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là sản phẩm do các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thương mại có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi, giống cây trồng do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Đối với sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc loại Nhà nước ban hành tiêu chuẩn, chất lượng phải đáp ứng các điều kiện do nhà nước quy định.
...
Theo kết luận của Tổng cục hải quan tại Công văn 3533/TCHQ-TXNK 2022, về sản phẩm thủy sản do cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi được cấp bởi cơ quan quản lý nhà nước nhập khẩu để làm giống theo đó:
Trường hợp sản phẩm thủy sản do các cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi do cơ quan quản lý nhà nước cấp nhập khẩu để làm giống thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Người nộp thuế giá trị gia tăng là ai?
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về người nộp thuế như sau:
Người nộp thuế
Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT (sau đây gọi là người nhập khẩu) bao gồm:
1. Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp), Luật Hợp tác xã và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác;
2. Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;
3. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam;
4. Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu;
5. Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế, trừ trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.
Quy định về cơ sở thường trú và đối tượng không cư trú thực hiện theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
6. Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
Như vậy, người nộp thuế GTGT là các tổ chức, cá nhân nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.