Những chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 5/2022: Quy trình biên soạn sách giáo khoa mới? Nâng mức hỗ trợ vay vốn tín dụng cho học sinh, sinh viên?
- Quy trình biên soạn sách giáo khoa bổ sung thêm giai đoạn tổ chức dạy thực nghiệm và lấy ý kiến đóng góp
- Hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn Toán, đào tạo tài năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Toán
- Nâng mức vay vốn tín dụng tối đa cho học sinh, sinh viên lên 4.000.000 đồng/tháng
Quy trình biên soạn sách giáo khoa bổ sung thêm giai đoạn tổ chức dạy thực nghiệm và lấy ý kiến đóng góp
Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa kèm theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT.
Cụ thể, quy trình biên soạn sách giáo khoa theo quy định mới nhất như sau:
- Tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa lựa chọn tác giả biên soạn sách giáo khoa đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 11 Thông tư này; tác giả nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để xây dựng đề cương tổng thể, đề cương chi tiết, kế hoạch biên soạn; phân công nhiệm vụ của tổng chủ biên, chủ biên (nếu sách có tổng chủ biên, chủ biên), tác giả bảo đảm sự phù hợp về khối lượng công việc và thời gian thực hiện để bảo đảm chất lượng và tiến độ hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa;
- Tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, minh họa, hoàn thành ít nhất 01 (một) bài học, tổ chức dạy thực nghiệm, góp ý sau khi dạy thực nghiệm để hoàn thiện bài học đó với sự tham gia đóng góp và thống nhất của toàn thể tác giả trước khi tổ chức biên soạn các bài học khác; tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, minh họa, dạy thực nghiệm, tổ chức lấy ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học, nhà giáo dục am hiểu về giáo dục phổ thông nhận xét, đánh giá bản mẫu sách giáo khoa theo nội dung từng khoản quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Thông tư này (yêu cầu cụ thể theo Tiêu chí đánh giá sách giáo khoa kèm theo Thông tư này); hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức thẩm định;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định bản mẫu sách giáo khoa theo quy định tại Chương IV Thông tư này;
- Tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa sau thẩm định;
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa;
- Tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tổ chức xuất bản, phát hành sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.
Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 05/05/2022.
Những chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 5/2022
Hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn Toán, đào tạo tài năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Toán
Ngày 30/3/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 22/2022/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030, trong đó, nội dung đáng chú ý là trong thời gian tới, chương trình giáo dục phổ thông môn Toán, đào tạo tài năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Toán sẽ được hỗ trợ kinh phí triển khai các hoạt động. Cụ thể như sau:
- Chi đào tạo, bồi dưỡng cho học viên, sinh viên sư phạm ngành Toán, giáo viên môn Toán cốt cán, giáo viên trung học phổ thông chuyên Toán; tổ chức các khóa bồi dưỡng dành cho học sinh, sinh viên về các chủ đề thời sự trong Toán hiện đại nhằm phát hiện và bồi dưỡng tài năng Toán học; bồi dưỡng giảng viên môn Toán các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp;
- Chi học bổng khuyến khích để thu hút và nâng cao chất lượng đối với sinh viên ngành Toán được Hội đồng xét cấp học bổng xét chọn theo tiêu chí quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Chi xây dựng, cập nhật, chuẩn hóa các chương trình đào tạo trình độ đại học, sau đại học các khoa học về Toán cũng như khối kiến thức Toán học trong các chuyên ngành, lĩnh vực khác;
- Chi hỗ trợ kinh phí đối với nghiên cứu sinh để tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế và đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài trong lĩnh vực Toán ứng dụng và Toán công nghiệp. Nghiên cứu sinh có kết quả học tập tốt theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được mời tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài trong lĩnh vực Toán ứng dụng và Toán công nghiệp được hỗ trợ chi phí đi lại và sinh hoạt phí (tối đa không quá 1 lần/năm trong thời gian đào tạo chuẩn của chương trình).
Thông tư 22/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/5/2022.
Nâng mức vay vốn tín dụng tối đa cho học sinh, sinh viên lên 4.000.000 đồng/tháng
Từ ngày 19/5/2022, Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên quy định nâng mức vay vốn tín dụng tối đa cho học sinh, sinh viên lên 4.000.000 đồng/tháng. Ngân hàng Chính sách xã hội quy định mức cho vay cụ thể đối với học sinh, sinh viên căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo vùng nhưng không vượt quá mức cho vay này. Khi chính sách học phí của Nhà nước có thay đổi và giá cả sinh hoạt có biến động, Ngân hàng Chính sách xã hội thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh mức vốn cho vay.
Đối tượng học sinh, sinh viên được hỗ trợ vay vốn tín dụng bao gồm:
- Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động;
- Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:
+ Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật.
+ Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật.
- Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật. - Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
Trả nợ gốc và lãi tiền vay thực hiện như sau:
- Trong thời hạn phát tiền vay đối tượng được vay vốn chưa phải trả nợ gốc và lãi; lãi tiền vay được tính kể từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc.
- Kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.
- Mức trả nợ mỗi lần do Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn và được thống nhất trong hợp đồng tín dụng.
Quyết định 05/2022/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 19/5/2022.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.