Người lao động làm các nghề, công việc nào có thể bị bệnh bụi phổi than theo quy định năm 2024?
- Người lao động làm các nghề, công việc nào có thể bị bệnh bụi phổi than theo quy định năm 2024?
- Người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp cụ thể là bệnh bụi phổi than thì cần làm gì?
- Doanh nghiệp không tiến hành quan trắc môi trường lao động dẫn đến NLĐ bị bệnh bụi phổi bị phạt tối đa bao nhiêu tiền?
Người lao động làm các nghề, công việc nào có thể bị bệnh bụi phổi than theo quy định năm 2024?
Căn cứ tại Mục 3 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định công việc sau đây có thể bị bệnh bụi phổi than:
- Khai thác mỏ than;
- Chế biến, nghiền, sàng tuyển, vận chuyển than;
- Khai thác graphit, sản xuất điện cực than;
- Sử dụng than trong các lò nung, lò luyện, lò hơi;
- Nghề, công việc khác có tiếp xúc với bụi than.
Như vậy, người lao động làm các nghề, công việc trên có thể bị bệnh bụi phổi than.
Người lao động làm các nghề, công việc nào có thể bị bệnh bụi phổi than theo quy định năm 2024? (Hình từ Internet)
Người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp cụ thể là bệnh bụi phổi than thì cần làm gì?
Căn cứ theo Điều 3a Thông tư 15/2016/TT-BYT, số thứ tự Điều này được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BYT quy định như sau:
Nguyên tắc chẩn đoán, điều trị, dự phòng đối với người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp
1. Người lao động sau khi được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp cần được:
a) Hạn chế tiếp xúc yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp đó;
b) Điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Đối với nhóm bệnh nhiễm độc nghề nghiệp phải được thải độc, giải độc kịp thời;
c) Điều dưỡng, phục hồi chức năng và giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định.
2. Một số bệnh nghề nghiệp (bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ, do rung toàn thân, nhiễm độc mangan, các bệnh bụi phổi nghề nghiệp trừ bệnh bụi phổi bông) và ung thư nghề nghiệp, ung thư do các bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định cần chuyển khám giám định ngay.
3. Trường hợp chẩn đoán các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp cho người lao động trong thời gian bảo đảm không nhất thiết phải có các xét nghiệm xác định độc chất trong cơ thể.
Như vậy, người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp cụ thể là bệnh bụi phổi than thì cần:
- Hạn chế tiếp xúc yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp đó cụ thể là bụi than trong không khí.
- Điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
- Điều dưỡng, phục hồi chức năng và giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định.
Bên cạnh đó nếu người lao động không có khả năng điều trị ổn định cần chuyển khám giám định ngay.
Doanh nghiệp không tiến hành quan trắc môi trường lao động dẫn đến NLĐ bị bệnh bụi phổi bị phạt tối đa bao nhiêu tiền?
Theo Điều 27 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt đối với các vi phạm về quan trắc môi trường lao động, trong đó quy định doanh nghiệp không tiến hành quan trắc môi trường lao động dẫn đến NLĐ bị bệnh bụi phổi bị phạt như sau:
Vi phạm quy định về quan trắc môi trường lao động
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động có một trong các hành vi sau: không thực hiện báo cáo kết quả hoạt động hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có thay đổi về địa chỉ trụ sở, chi nhánh; không tham gia khóa huấn luyện cập nhật kiến thức về chính sách pháp luật, khoa học công nghệ về quan trắc môi trường lao động theo quy định.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi không công bố công khai cho người lao động tại nơi quan trắc môi trường lao động và nơi được kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm biết ngay sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động và kết quả kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tiến hành quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động theo quy định của pháp luật.
...
Đồng thời tại Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động không tiến hành quan trắc môi trường lao động dẫn đến NLĐ bị bệnh bụi phổi sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng với cá nhân người sử dụng lao động vi phạm, mức phạt đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương ướng gấp 02 lần mức phạt của cá nhân.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp không tiến hành quan trắc môi trường lao động dẫn đến NLĐ bị bệnh bụi phổi bị phạt từ 40.000.000 đồng và tối đa 80.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.