Nghị định quy định chế độ tiền lương mới sắp ban hành ra sao? Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo Nghị quyết 27 thế nào?
Nghị định quy định chế độ tiền lương mới sắp ban hành ra sao?
Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành quy định về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 trong đó có những chỉ đạo quan trọng liên quan đến cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó Chính phủ sẽ triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Đồng thời Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ trong tháng 5/2024 phải hoàn thành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW 2018, Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sắp ban hành dự kiến sẽ quy định 5 bảng lương áp dụng cho 9 đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
>> Xem thêm: Bảng lương công chức viên chức mới nhất hiện nay: Tải về
Nghị định quy định chế độ tiền lương mới sắp ban hành ra sao? Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo Nghị quyết 27 thế nào? (Hình từ Internet)
05 bảng lương mới áp dụng sau cải cách tiền lương là những bảng lương nào?
Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 quy định 05 bảng lương mới sẽ bao gồm:
- 02 Bảng lương áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức:
+ Bảng lương 01: Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã
+ Bảng lương 02: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo
- 03 Bảng lương áp dụng cho lực lượng vũ trang:
Bảng lương 01: Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm)
Bảng lương 02: Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an
Bảng lương 03: Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay)
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo Nghị quyết 27 thế nào?
Theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 thì trong các giải pháp khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bao gồm giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước như sau:
- Sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương trong khu vực công và khu vực doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm, kỷ luật, trả lương và quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong doanh nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đối tượng và tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm liên thông, tích hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác có liên quan.
- Hoàn thiện cơ chế thoả thuận về tiền lương trong doanh nghiệp thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, thương lượng và thoả thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm hài hoà lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, tạo sự đồng thuận cao.
Phát triển tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở, quản lý tốt việc thành lập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động.
Cơ quan thống kê của Nhà nước công bố mức sống tối thiểu hằng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị các định hướng chính sách tiền lương; tăng cường điều tra, công bố định kỳ thông tin, số liệu về tiền lương và thu nhập của cả khu vực công và khu vực thị trường.
Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác nghiên cứu cơ bản và thiết kế chính sách về lao động và tiền lương.
- Làm tốt công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành với cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính các cấp trong quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, tránh chồng chéo, lãng phí.
Quy định rõ quyền hạn gắn với trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội.
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách tiền lương theo quy định của pháp luật trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội.
Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình né tránh, thực hiện không nghiêm túc hoặc không thực hiện nhiệm vụ được giao trong thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và vi phạm quy định của pháp luật về tiền lương.
Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số và cơ chế báo cáo định kỳ, công khai, minh bạch thông tin, số liệu về tổ chức bộ máy nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các khoản chi tiền lương trong khu vực công.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.