Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính lập đường dây nóng xử lý vấn đề ép khách hàng mua bảo hiểm khi gửi tiền và vay vốn ngân hàng?
- Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về vấn đề ép khách hàng mua bảo hiểm khi gửi tiền và vay vốn ngân hàng?
- Bộ Tài chính chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, giám sát không để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn?
- Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn như thế nào?
Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về vấn đề ép khách hàng mua bảo hiểm khi gửi tiền và vay vốn ngân hàng?
Thông cáo báo chí chiều 21/02/2023, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ trong thời gian qua, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời đảm bảo việc các tổ chức tín dụng (TCTD) tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, NHNN đã thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo các TCTD về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm.
Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các văn bản có liên quan; cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm… đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích đầy đủ, rõ ràng về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm. Các TCTD không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, nghiên cứu xây dựng, cập nhật các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc để không gây áp lực đối với nhân viên/đơn vị kinh doanh trong việc giới thiệu bán các sản phẩm bảo hiểm, không để xảy ra trường hợp nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm; tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động đại lý bao hiểm.
Tuy nhiên, gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục phản ánh hiện tượng một số tổ chức tín dụng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, tăng lãi suất/ “ép” khách hàng tất toán khoản vay nếu hủy hợp đồng bảo hiểm, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm, chuyển từ tiền tiết kiệm tại ngân hàng của khách hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ…
Trước đó, ngày 15/02/2023, NHNN đã ban hành Công văn 506/NHNN-TTGSNH năm 2023 về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Tại công văn này, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm;
Khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm và tổ chức tín dụng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này.
Ngoài ra, để nắm bắt và xử lý phản ảnh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã thiết lập đường dây nóng để phản ánh tình trạng ngân hàng ép khách hàng đi vay vốn mua bảo hiểm, cụ thể:
* Số điện thoại cố định: (024) 38266344/ (024) 39361017
* Email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính lập đường dây nóng xử lý vấn đề ép khách hàng mua bảo hiểm khi gửi tiền và vay vốn ngân hàng?
Bộ Tài chính chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, giám sát không để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn?
Bộ Tài chính vừa ban hành Văn bản số 1544 /BTC-VP về việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm.
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022 Bộ đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty môi giới bảo hiểm nhằm hạn chế tối đa tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm cũng như đảm bảo tối đa quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Đồng thời, tại cuộc họp giao ban Bộ Tài chính tháng 9/2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã giao Cục Quản lý và Giám sát (QL&GS) Bảo hiểm chủ động giám sát chặt chẽ thị trường bảo hiểm, không để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng chèo kéo, gợi ý, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm cùng với các sản phẩm tài chính khác khi vay vốn, tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.
Công văn cũng nêu rõ qua phản ảnh của báo chí, trong thời gian qua vẫn có tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi đến ngân hàng gửi tiền hoặc vay vốn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp tục yêu cầu Cục Quản lý & Giám sát Bảo hiểm, đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trưởng bảo hiểm.
Tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty Bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan.
Trước đó, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra. Nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân và doanh nghiệp về tình trạng trên.
Phân công cán bộ trực 24/7 và kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để có biện pháp thanh tra, phối hợp với cơ quan công an và thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn như thế nào?
Căn cứ tại khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP) quy định như sau:
Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe
...
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
b) Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;
c) Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính;
d) Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.
đ) Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.
Như vậy, đối với trường hợp nhân viên ngân hàng có hành vi ép khách hàng đến vay tiền, gửi tiền mua bảo hiểm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng.
Mặt khác có thể bị đình chỉ hoạt động từ 02 - 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động.
Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì sẽ bị xử phạt gấp đôi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.