Khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm thì VKS làm Báo cáo hay Thông báo phát hiện vi phạm?
- Khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm thì VKS làm Báo cáo hay Thông báo phát hiện vi phạm?
- Việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện thế nào?
- Kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát được quy định ra sao?
Khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm thì VKS làm Báo cáo hay Thông báo phát hiện vi phạm?
Theo Công văn 1083/VKSTC-V9 giải đáp vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình như sau:
Câu 13. Khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm thì VKS làm “Báo cáo” (theo khoản 4 Điều 26 Quy chế số 364/2017) hay “Thông báo phát hiện vi phạm” (theo khoản 8 Điều 6, điểm b khoản 5 Điều 8, khoản 6 Điều 9 Quyết định số 399/2019)? (VKS Thái Nguyên)
Trả lời: Khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm là căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm thì VKS cấp dưới báo cáo VKS cấp trên theo Mẫu số 11/DS “Thông báo đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm” theo Quyết định số 410/QĐ-VKSTC ngày 25/11/2021 của VKSND tối cao.
Theo đó, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện vi phạm là căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm thì Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền theo mẫu Thông báo đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm thì VKS làm Báo cáo hay Thông báo phát hiện vi phạm? (Hình từ Internet)
Việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện thế nào?
Theo Điều 46 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự ban hành kèm theo Quyết định 364/QĐ-VKSTC 2017 có nội dung như sau:
Viện kiểm sát xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
Việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 97, Điều 106, Điều 330 BLTTDS và Điều 32 của Quy chế này.
Theo đó, việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được Viện kiểm sát thực hiện như sau:
- Xác minh, thu thập chứng cứ: Viện kiểm sát thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ:
+ Đương sự có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ. Khi yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ, đương sự phải làm văn bản yêu cầu ghi rõ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp; lý do cung cấp; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người có yêu cầu.
+ Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình hoặc đề nghị Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn.
Đương sự yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; tài liệu, chứng cứ cần thu thập; lý do mình không tự thu thập được; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần thu thập.
+ Trường hợp có yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
++ Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
+ Trường hợp Viện kiểm sát có yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện theo quy định trên.
- Bổ sung, xác minh tài liệu, chứng cứ trong thủ tục giám đốc thẩm:
+ Đương sự có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án.
+ Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ cần thiết.
Kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát được quy định ra sao?
Căn cứ tại Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát 2014 quy định kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân như sau:
- Trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Viện kiểm sát nhân dân phải kháng nghị. Cơ quan, người có thẩm quyền phải giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp kháng nghị nêu trên thì Viện kiểm sát nhân dân kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.